Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Từ Tây Nguyên về với đảo tiền tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

“Ngày mang hành trang vượt quãng đường gần ngàn cây số từ miền Tây Nguyên về với đảo Cồn Cỏ, mình không nghĩ sẽ gắn bó dài lâu đến vậy. Nhưng chính nơi đầu sóng ngọn gió này, tình yêu đã giúp mình trụ lại với nghề”, cô Hoàng Thị Hiếu, giáo viên Trường Mầm non – Tiểu học Hoa Phong Ba, huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) bộc bạch.

Cô Hiếu cùng các trẻ mầm non trên đảo Cồn Cỏ

1.Ngày cuối tuần, đáp chuyến tàu thủy từ Cồn Cỏ đáp bến Cửa Tùng sau 2 tiếng đồng hồ vượt quãng đường biển ngót 30 cây số, cô giáo Hoàng Thị Hiếu, tay bồng con gái nhỏ lại tất bật lên đường lộ để kịp bắt chuyến xe buýt dài hơn 30 cây số nữa, về thị xã thăm con trai. Hai con của cô, đứa lớn vừa lên 5, đứa nhỏ chưa tròn 3 tuổi nhưng đã chịu cảnh cách trở hơn một năm nay. “Trời nắng, biển êm thì mình tranh thủ về thăm con, nhưng cũng vài ba tháng mới về một lần vì sợ bé nhỏ say sóng. Vào mùa mưa, biển động thì có khi nửa năm mới vào đất liền một lần. Nhớ thương con, con gái nhỏ cũng nhớ anh nhưng đành chịu. Phải dằn lòng gửi con vào đất liền với nội vì sang năm cháu đã vào lớp 1 rồi. Ở đảo chưa có lớp dành cho bậc tiểu học”, cô Hiếu trải lòng…

Ngày mang ba lô thanh xuân về với đảo Cồn Cỏ của cô Hiếu đã cách nay hơn 8 năm. “Khoảng thời gian đó không dài nhưng đủ để thấm thía sự thiếu thốn, thiệt thòi nơi đảo xa. Cũng đủ để yêu thương, gắn bó hơn với những mầm non trên đảo”, cô Hiếu nói. Quê gốc ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhưng lớn lên ở Đắk Lắk. Tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, cô nhận dạy ở miền cao nguyên ấy một năm. “Dù xa quê vì điều kiện kinh tế, nhưng ba mẹ tôi vẫn luôn muốn về quê, nên khi huyện đảo Cồn Cỏ tuyển giáo viên trẻ tình nguyện, tôi liền nộp hồ sơ”. Rời cao nguyên nắng gió, hành trang ra biển của cô Hiếu gói trọn ngần ấy ước mơ. “Về với đảo đúng vào mùa đông. Quả thật trước đó mình không thể hình dung hết được những điều phải đối mặt. Sang tuần thứ hai ở đảo, nỗi buồn và nhớ nhà càng da diết. Những lúc đó mình nhìn vào lũ trẻ bi bô tập nói, lấy nụ cười của những thanh niên xung phong bám đảo để làm động lực ở lại”, cô Hiếu kể.

Nhận thiệt thòi về mình vì các mầm non trên đảo, vài ba tháng cô Hiếu mới có thể về đất liền thăm con trai vào dịp cuối tuần  

2.Thiếu thốn là “đặc sản” của đảo trẻ này. Trường lớp cũ kỹ. Thiếu trang thiết bị dạy học. Đồ chơi chủ yếu được các giáo viên tự làm và một ít được cấp hoặc được tặng từ các đoàn từ thiện ra đảo. Đảo ngày đó không điện. Nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa. Đêm nằm nghe sóng vỗ rì rầm, nghe lá Phong Ba đánh vào nhau tanh tách. Chỉ lũ trẻ với tầm trên dưới chục đứa là vô tư. Gần chục năm, trường được xây mới sau đận bão 2013 đánh sập, điện từ máy nổ được phát đều đặn hơn… đảo bớt hoang vắng nhưng trẻ trên đảo vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Lớp mầm non Hoa Phong Ba có 11 cháu, đủ lứa tuổi từ 1 tới 5 tuổi, cô Hiếu và một đồng nghiệp cùng chăm sóc, dạy dỗ. Cô Hiếu bảo: “Do các cháu không cùng độ tuổi nên việc chăm sóc khá vất vả. Cô giáo như con thoi chạy qua chạy lại chăm sóc cho từng lứa tuổi với các nhu cầu khác nhau. Cháu nhỏ cần ẵm bồng, vỗ về giấc ngủ, cháu lớn hơn thì cần học hát, tập tô và lễ phép… Giáo án vì thế cũng phải thật linh hoạt. Vất vả nhất là những lúc các cháu nhức đầu, sổ mũi. Nhân lực y tế không có sẵn nên cô cũng là bác sĩ. Ngoài giờ dạy, mình phải mày mò tìm hiểu thêm về các kiến thức chăm sóc sức khỏe, nắm các triệu chứng ốm, sốt ở trẻ”. Cô Hiếu nói, thương nhất là ở đảo các con chưa được tổ chức bán trú. Sân chơi hạn chế. Điện sinh hoạt cũng hạn chế nên sau 11 giờ trưa cho tới 1 giờ 30 chiều điện bị cắt, dù về nhà nghỉ trưa các cháu cũng không có điện để sinh hoạt.

Cô Hiếu nói, thương nhất là ở đảo các con chưa được tổ chức bán trú. Sân chơi hạn chế. Điện sinh hoạt cũng hạn chế nên sau 11 giờ trưa cho tới 1 giờ 30 chiều điện bị cắt, dù về nhà nghỉ trưa các cháu cũng không có điện để sinh hoạt.

8 năm ở đảo với cô Hiếu rất nhiều kỷ niệm. “Đáng nhớ nhất là khi cơn bão số 10 quét qua khu vực miền Trung, năm 2013, hàng loạt nhà cửa, công trình, cây cối bị tàn phá nặng nề. Lớp mẫu giáo Hoa Phong Ba cũng đổ sập. Hoang tàn lắm nhưng nhờ sự chung sức đồng lòng, lớp học lại được tổ chức trở lại trong niềm hân hoan của con trẻ”. “Thiếu thốn nhưng các cháu rất ngoan. Mỗi chiều, sau giờ làm việc, các cô chú ở lãnh đạo huyện đến lớp học để chở các cháu đi vòng quanh đảo, đến di tích lịch sử, kể cho các cháu về truyền thống của đảo”, cô Hiếu nói thêm.

3.Chấp nhận ở lại đảo đồng nghĩa với việc đối mặt khó khăn. Sau hai năm ở đảo, cô Hiếu có thêm lý do ở lại với Cồn Cỏ khi gặp người kỹ sư xây dựng làm nhiệm vụ ở đây. Họ nên duyên chồng vợ. Hai đứa trẻ chào đời là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô giáo trẻ tình nguyện. Ngày nuốt nước mắt đưa con về gửi ông bà nội, cô Hiếu bảo: “Thương con lắm nhưng để con ở lại thì không có lớp tiểu học. Theo con về thì sẽ phải rời xa những đứa trẻ vốn đã quá thiệt thòi trên đảo. Ba các cháu cứ tháng 2 tuần ở đảo, 2 tuần làm việc trên đất liền, cứ chạy qua lại giữa ba mẹ con và ông bà nội. Tôi chọn ở lại, cũng may anh ấy hiểu và cảm thông”. “Chặng đường phía trước còn rất dài, càng dài hơn cho sự cách xa khi hai con đều bước vào các bậc học cao hơn ở đất liền nhưng trước mắt mình không nghĩ nhiều. Chừng nào thu xếp được thì mình còn ở lại. Các con ở đảo cũng như con mình vậy. Chúng cần điểm tựa để mai này vượt đảo đến những cổng trường cao hơn, trở thành người có ích cho xã hội”, cô Hiếu trải lòng.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)