Kết quả khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với trường nghề rất thấp (9,11%), thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho người lao động cũng chỉ gần 40%…
Sinh viên Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành nghề cơ khí
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, hiện nay hoạt động đào tạo của một số trường nghề thiếu sự gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp, chương trình đào tạo chưa linh hoạt theo sự đa dạng của ngành nghề trong sản xuất dẫn đến chất lượng lao động còn nhiều hạn chế.
Tại hội thảo khoa học “Một số giải pháp tổ chức thực hiện mô hình đào tạo kép trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức mới đây, ThS. Đặng Thị Uyên Phương (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết hiện tại các trường TC-CĐ đang đào tạo theo chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH. Vì vậy, để xây dựng chương trình đào tạo kép, các trường chỉ có thể chủ động khoảng 30%. Đây là một trong những trở ngại trong việc thiết kế chương trình đào tạo hợp tác với doanh nghiệp. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải tự chuẩn hóa tiêu chuẩn nghề trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp đã ký kết hợp tác.
Bà Nguyễn Bích Thảo (Khoa May – Thiết kế thời trang, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận: Doanh nghiệp và nhà trường ký kết hợp tác đào tạo không chỉ mang lại cơ hội cho sinh viên tiếp cận nhiều việc làm, mà phía doanh nghiệp cũng có được nhân lực đảm bảo cho hoạt động sản xuất và giảm chi phí đào tạo. Nhà trường cũng không cần đầu tư quá nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất như nhà xưởng, phòng học, thậm chí cả công nghệ vì doanh nghiệp phải luôn đổi mới, khi hợp tác hai bên sẽ chia sẻ công nghệ cho nhau. Tuy nhiên, theo bà Thảo, hơn hết sự hợp tác này chắc chắn sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động. Khi sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp đồng nghĩa với việc các em được rèn luyện và tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh thực tiễn, qua đó có thể lựa chọn việc làm phù hợp hơn.
Trong khi đó, ThS. Phạm Thị Vân Trinh (Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) dẫn số liệu, trong khoảng 200 ngàn sinh viên ra trường mỗi năm, chỉ có 30% đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, 45-62% sinh viên tìm được việc làm sau tốt nghiệp; trong đó chỉ 30% làm đúng ngành nghề đào tạo, số tuyển dụng không đáp ứng được công việc là không nhỏ, nhiều doanh nghiệp phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại.
Từ thực tế đó, bà Trinh khẳng định mô hình đào tạo kép của Đức, Na Uy, Úc… có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tất yếu của việc đào tạo người lao động vừa có chuyên môn vừa có kỹ năng. Nếu được áp dụng rộng rãi là bước ngoặt lớn thay đổi tư duy, giúp người học không phải học lý thuyết hàn lâm, khô khan thiếu sáng tạo.
Thuận lợi là vậy, nhưng bà Trinh cũng đã chỉ ra những rào cản, mà khó nhất là thay đổi tư duy, thói quen và cách làm của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Do vậy, để đáp ứng chất lượng nhân lực, chất lượng dạy nghề, dạy nghề gắn với việc làm bền vững cần phải có quy định nguyên tắc trong luật về cơ chế dạy nghề kép. Đây là vấn đề mới, việc quy định chi tiết về cách thức, lộ trình và điều kiện thực hiện sẽ do Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.
Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2) cho biết không chỉ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, việc tận dụng các nguồn lực xã hội, tổ chức nước ngoài… cũng là hướng đi đúng đắn giúp các trường tồn tại và phát triển. “Mô hình đào tạo kép của Đức đang được nhiều trường triển khai, sinh viên ra trường được doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng đào tạo và không phải đào tạo lại. Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 không chỉ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành cơ điện tử, công nghệ hàn, chế tạo cơ khí… với công ty của Đức để tuyển chọn rồi xuất khẩu kỹ thuật viên sang thị trường Đức mà còn thí điểm mô hình đào tạo phối hợp. Đây là mô hình được xây dựng dựa trên cơ sở mô hình kép của Đức, tuy nhiên có điều chỉnh nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam và dựa trên yêu cầu doanh nghiệp, cũng như sử dụng thiết bị và công nghệ sẵn có của doanh nghiệp”, ông Cường thông tin.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) yêu cầu các trường nghề trên địa bàn thành phố không chạy theo số lượng khi thực hiện hợp tác với doanh nghiệp mà phải chú trọng đến chất lượng, tính lâu dài và bền vững, đảm bảo ba bên (doanh nghiệp, sinh viên và nhà trường) cùng hưởng lợi. Các trường phải làm tốt công tác dự báo để thực hiện việc hợp tác với doanh nghiệp, trong đó chú trọng hợp tác đào tạo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ.
T.Anh
Bình luận (0)