Dù mắc phải căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nhưng cứ sau giờ học, người dân trên địa bàn quận Gò Vấp (TP.HCM) lại thấy hình ảnh một cậu bé có thân hình ốm yếu, da rám nắng ngồi lọt thỏm trên chiếc xe lăn đi bán từng tấm vé số mưu sinh. Nhìn chiếc xe đã cũ, lốp xe bị mòn lăn dài trên những con đường quen thuộc khiến ai cũng phải chạnh lòng.
Em Trần Tuấn Nguyên được thầy Phùng Hữu Quang (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp) đưa vào lớp học
Cậu bé ấy là em Trần Tuấn Nguyên – học sinh lớp 10C2 Trường THPT Gò Vấp.
Ngày nào cũng vậy, sau giờ học Nguyên đều vội vã về nhà, ăn vội chén cơm, thay nhanh chiếc áo đã sờn vai rồi ráng gượng leo lên chiếc xe lăn đẩy đi bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nguyên kể, gia đình em có tất thảy 5 người: cha, mẹ, cậu, anh trai và em. Nhưng họa vô đơn chí, cách đây hơn 2 năm, cha của em – trụ cột chính trong gia đình đã ra đi mãi mãi vì bạo bệnh. Kể từ ngày đó, mẹ của em phải nén nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần để gồng gánh nuôi con mặc dù bà cũng mang căn bệnh xương thủy tinh hơn nửa đời người. Thời gian gần đây, bệnh trở nặng, bà phải nằm một chỗ, không thể đi bán vé số nhiều như trước đây nữa. Trong khi đó, người cậu thì bị câm, tinh thần không được bình thường, công việc của cậu cũng phụ thuộc vào lòng thương cảm của mọi người – bán vé số. Còn anh trai thì đã xuất gia đi tu. Cuộc sống vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn hơn, để trang trải cuộc sống gia đình, Nguyên phải lao vào cuộc mưu sinh trong khi đang ở tuổi ăn học.
Với một đứa trẻ, nghèo khó đã là một thiệt thòi lớn, nhưng ở Nguyên còn gánh thêm căn bệnh quái ác không thể chữa trị. Đây là một nỗi buồn vô tận với em, nhất là mỗi khi thấy bạn bè cùng trang lứa thỏa sức vui chơi, chạy nhảy trong sân trường hay những lúc được cha mẹ chở đi chơi vào cuối tuần. Nguyên kể: “Lúc mới sinh ra, em cũng bình thường. Khi em lên một tuổi rưỡi, trong một lần mẹ mang em đi bán vé số cùng, tự nhiên em bị co giật rồi té từ trên ghế xuống đất. Ngay lập tức, mẹ nhờ người đi đường đưa em đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ kết luận em bị bệnh xương thủy tinh, dù vậy mẹ vẫn cố gắng nuôi em lớn và cho em đi học đàng hoàng, mong sau này em không trở thành gánh nặng cho xã hội”.
Cứ vài tháng, em bị gãy xương phải nghỉ học gần cả tháng mới có thể đi học lại. Những lúc như vậy, thầy cô và bạn bè luôn động viên, hỏi han, thậm chí còn đến nhà chỉ bài vở… |
Để không phụ lòng mẹ, Nguyên cố gắng vươn lên từng ngày. Nhưng bệnh cứ cản trở việc học của em. Cứ vài tháng, em bị gãy xương phải nghỉ học gần cả tháng mới có thể đi học lại. Những lúc như vậy, thầy cô và bạn bè luôn động viên, hỏi han, thậm chí còn đến nhà chỉ bài vở, nhờ vậy mà Nguyên đã theo kịp với bạn bè khi thành tích học tập năm nào cũng đạt loại khá, giỏi. Thấy hoàn cảnh của học trò quá khó khăn nhưng hiếu học, thầy cô thường hay đứng ra quyên góp tiền giúp đỡ, hằng năm còn đề nghị nhà trường miễn giảm học phí cho em. Điều đó đã tạo động lực cho Nguyên dám ước mơ đến ngưỡng cửa ĐH. “Em ước mơ được làm việc trong lĩnh vực IT, vì đây là công việc nhẹ nhàng, chỉ cần đầu óc chứ không phải đụng tay đụng chân nên em thấy nó phù hợp với mình”, Nguyên thổ lộ. Khi được chúng tôi hỏi về chuyện lập gia đình trong tương lai, Nguyên lắc đầu nói: “Em không dám nghĩ tới vì trước mắt em phải lo cho mẹ và cậu. Nếu sau này em không còn gia đình nữa thì em đi tu như anh hai vậy”.
Nói về Nguyên, thầy Phùng Hữu Quang (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp) xúc động: “Lúc mới tựu trường, ngày nào tôi cũng thấy có một người phụ nữ và một người đàn ông thay phiên đưa Nguyên đến trường, hỏi thăm thì mới biết hoàn cảnh gia đình em ấy. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, thời gian qua nhà trường đã tạo điều kiện để Nguyên có thể đi học thuận lợi. Nguyên dù bệnh tật nhưng rất hiền lành, chịu khó, vì vậy thầy cô, bạn bè rất yêu quý và hỗ trợ em hết mình”.
Cuộc sống của Nguyên cứ diễn ra tuần tự không có gì thay đổi ngoài ý chí và nghị lực sống. Mỗi sáng, em ngồi trên chiếc xe lăn đến trường, tan học lại vội vã về nhà ăn cơm rồi đi bán vé số. Ai bảo “nguyên” là nguyên vẹn, không bị lỗi, rách nát chứ em Trần Tuấn Nguyên thì hoàn toàn trái ngược với thực tế. Thế mới biết cuộc đời không như ta tưởng mà luôn có những thử thách, quan trọng là bản thân mỗi người có nghị lực vượt qua hay không.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)