Báo chí vừa thông tin việc một phụ huynh có con học lớp 2 ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, gửi đơn xin Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và hiệu trưởng trường cho con ở lại lớp 1 vì thấy rằng con mình “càng học càng ngu” mà nhà trường ép phải lên lớp 2.
Theo tác giả, để một đứa trẻ phát triển bình thường theo chiều hướng tích cực, cần gạt bỏ tâm lý đề cao thành tích. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn học sinh tô màu trong tiết học mỹ thuật. Ảnh: N.Trinh
Đọc thư này, bỏ qua cảm giác về sự bực mình hay hờn dỗi việc giáo viên và nhà trường chưa hết lòng dạy học cho con của phụ huynh đó, ta cũng phần nào nhận thấy anh đã thẳng thắn và dũng cảm trong việc đề nghị cho con học lại lớp 1 vì cảm thấy sức học của con còn hạn chế. Trên thực tế cũng có không hiếm phụ huynh xin cho con xuống học lớp dưới hoặc được ở lại lớp vì thấy con không đáp ứng được đòi hỏi ở lớp cao hơn. Khi phụ huynh nhận ra điều này thì rõ ràng đã thấy sự thiếu sót trong công tác giảng dạy của giáo viên và nhất là đã thấy tình trạng chạy theo thành tích mà “ép” học sinh không đủ năng lực được lên lớp. Trong chừng mực nào đó, ta phải khích lệ các phụ huynh này vì họ đã mạnh dạn làm cái điều mà rất nhiều người khác không làm, thậm chí còn muốn làm ngược lại, đó là con chưa giỏi nhưng muốn được coi là giỏi, con học chậm tiến nhưng đổ lỗi hết cho giáo viên mà không chú ý sự săn sóc việc học của con từ gia đình thế nào, cũng chưa chú ý sức học (năng lực, trí não, điều kiện thể chất…) của con ra sao.
Vừa rồi, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm của lớp con gái tôi, một phụ huynh đã bức xúc phản ánh với giáo viên chủ nhiệm rằng, sao con anh học 5 năm liền đều giỏi nhưng lên lớp 6 trong bài kiểm tra môn giáo dục công dân đầu tiên lại bị 0 điểm. Anh đặt vấn đề: Tại sao một “sản phẩm tốt” như vậy đưa vào giáo viên lớp 6 thì lại trở thành một sản phẩm “lỗi”? Trước ý kiến này, có các luồng quan điểm khác nhau. Có người cho rằng, 5 năm là học sinh giỏi thì cũng chưa hẳn học sinh đó giỏi thực chất mà có thể do cách đánh giá có phần chưa sát, còn nặng thành tích, do đó khó có thể nói con anh đã là “sản phẩm tốt”. Người khác lại bảo, cách học và kiểm tra ở tiểu học và THCS khác nhau, một đứa trẻ bị điểm 0 thì cũng chưa thể đánh giá được gì nhiều. Người khác nữa thì nói, một bài kiểm tra bị 0 điểm thì phụ huynh đã đổ cho cách dạy của giáo viên không ổn, vậy những trường hợp khác điểm 10 thì sao?…
Đây không phải là một trường hợp cá biệt, bởi có không ít phụ huynh vì kỳ vọng lớn lao ở thành tích của con hoặc vội vàng tin theo sự giải thích của con về việc học của bản thân hay việc dạy của giáo viên mà vội vàng cho rằng kết quả chưa tốt của con hoàn toàn do lỗi của giáo viên, của nhà trường. Có phụ huynh gặp giáo viên thắc mắc, vì sao con mình rất chăm học nhưng kết quả lại kém; có người không vui cho rằng trước đây ở lớp dưới (cấp dưới), ở trường cũ, con mình thường xuyên là học sinh giỏi, xếp hạng cao nhưng sang lớp trên, trường mới thì kết quả lại xuống dốc; thậm chí có phụ huynh còn đặt vấn đề liệu con mình có bị trù dập hay bị ức chế gì đó nên mới có kết quả học tập không tốt. Nhưng trên thực tế, nếu phụ huynh thực sự quan tâm và có phương pháp kiểm tra đúng cách sẽ không khó để nhận ra vấn đề nằm ở đâu. Chẳng hạn, lấy một bài học bất kỳ, hỏi lại xem con có hiểu không, con diễn đạt lại điều đã học như thế nào, hoặc làm lại bài tập đã được làm để xem con có hiểu bài không, có nhớ công thức không… Từ đó có thể xác định được “lỗi” ở đâu, chứ không phải vội vàng quy trách nhiệm hết cho giáo viên, cho nhà trường.
Như vậy, trong việc hợp tác giữa gia đình và nhà trường để giáo dục học sinh cho tốt, một yêu cầu quan trọng là đôi bên phải thực sự khách quan, trung thực và thẳng thắn với nhau về kết quả học tập của các em. Phụ huynh nên đánh giá đúng năng lực của con và trình bày rõ ràng, cụ thể với giáo viên về các mặt ưu, khuyết của con để giáo viên có thể nắm được và có biện pháp giáo dục phù hợp. Ngược lại, giáo viên thì cần nêu rõ các đặc điểm của học sinh trong việc tiếp thu bài vở, thực hiện các bài kiểm tra, trong giao tiếp, ứng xử với thầy cô và bạn bè…, đồng thời cần lưu ý phụ huynh những vấn đề cần quan tâm. Phía phụ huynh không nên đề cao con mình thái quá, theo kiểu cho đó là “thần đồng” mà cũng không tự hạ thấp năng lực của con, cần hiểu rõ ưu – khuyết của con cũng như các vấn đề có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập. Phía giáo viên phải nắm chắc và đánh giá đúng tình hình học tập, sức học, các biểu hiện tâm sinh lý của học sinh, không nên cả nể, càng không được có thành kiến mà nói không sát thực tế về các em, có thể gây ngộ nhận cho phụ huynh.
Trên hết, để một đứa trẻ phát triển bình thường theo chiều hướng tích cực, cần gạt bỏ tâm lý đề cao thành tích, chạy theo thành tích của giáo viên và phụ huynh. Cả phụ huynh và giáo viên phải nhận thấy rằng trong điều kiện trường lớp, giảng dạy như nhau, sức học của mỗi học sinh thường khác nhau do nhiều yếu tố, như thể chất, tư chất, khí chất, sự quan tâm của gia đình… Do đó, phụ huynh không thể đòi hỏi con mình cũng giỏi như con người khác, giáo viên cũng không thể yêu cầu học sinh này học tốt như học sinh kia. Nhưng trên hết, chính phụ huynh phải dũng cảm và thẳng thắn với thành tích học tập của con mình, không được ảo tưởng, cũng không mang tâm lý đổ lỗi; đồng thời sẵn sàng yêu cầu cho con mình học ở môi trường, điều kiện phù hợp với năng lực thực sự của con. Bởi ngoài trách nhiệm và tình yêu thương con, phụ huynh có nhiều điều kiện hơn hẳn để biết rõ con mình như thế nào, điều mà giáo viên rất khó nắm bắt.
Do đó, bản thân mỗi phụ huynh phải thực sự quan tâm việc kèm cặp con học tập. Có thể không kiểm tra thường xuyên hàng ngày, nhưng bất chợt phụ huynh có thể hỏi về một kiến thức nào đó trong chương trình vừa học xong để xem độ hiểu, độ nhớ của con thế nào, hoặc bất chợt yêu cầu giải một bài toán, một bài tập vật lý… để xem khả năng vận dụng lý thuyết vào thực hành của con ra sao. Chỗ nào tốt thì tiếp tục phát huy, chỗ nào chưa tốt thì cần uốn nắn, điều chỉnh ngay. Trên một tinh thần dũng cảm, quyết liệt và tránh đổ lỗi!
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)