1. Khi tìm hiểu nguyên nhân khiến cho kết quả học tập chưa tốt, đôi khi tôi được sinh viên chia sẻ là vì các em có xuất phát điểm không thuận lợi như: “Giá mà em được sống và học ở thành phố từ nhỏ”; “Giá mà gia đình em ở quê có điều kiện hơn để phục vụ cho học tập”… Tôi đồng cảm với những cảm xúc của các em. Nhưng đồng thời, cũng cảm thấy đó không hẳn là khó khăn không thể vượt qua. Mỗi lần gặp trường hợp như thế, khi cảm thấy có thể trò chuyện chân thành, tôi đều chia sẻ, động viên và đặt lại vấn đề với các em, đó là: Chúng ta luôn chỉ nhìn những khó khăn của bản thân. Công bằng mà nói, ai cũng đã, đang và sẽ phải đối diện với những khó khăn, nghịch cảnh mà cuộc đời đặt ra. Quan trọng là chúng ta có tích cực nỗ lực vươn lên hay chấp nhận đầu hàng lùi bước trong tiêu cực?
2. Thế giới quan luôn quyết định hành động. Tâm thế chúng ta như thế nào thì sẽ dẫn đến hành vi như thế đó. Nếu trong lòng chỉ toàn hờn trách và thở than, thì chúng ta không thể vượt thoát được vòng luẩn quẩn của sự chùn bước. Kỳ thực, những gian nan thử thách đều có giá trị tăng cường khả năng chống chịu, kỹ năng phát triển. Một người nếu bước trên con đường bằng phẳng thì khó có được những trải nghiệm sinh động và hữu ích. Trần Bích San năm xưa qua đèo Hải Vân từng cảm tác: “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài”, ý nói “Văn không sông núi, chẳng cao diệu/ Người chẳng phong sương, khó rạng tài”. Thế nên, thay vì có thái độ mặc cảm, chán nản về hoàn cảnh, chúng ta hãy tự hào vì cuộc đời đã bày sẵn cho mình cơ hội rèn luyện để trưởng thành.
3. Sau khi nhận rõ bản chất vấn đề đang vướng mắc, chúng ta hãy xốc lại tinh thần và lập kế hoạch cụ thể để thay đổi hiện trạng. Nếu là khó khăn tài chính, hãy tìm kiếm những cơ hội làm thêm vừa mang lại thu nhập vừa tích lũy kiến thức liên quan đến ngành học. Chú ý tìm cách cân bằng giữa việc làm thêm và việc học, vì nếu không khéo, sẽ mất “cả chì lẫn chài”, khiến cho việc nào cũng dang dở, dở dang. Nếu là khó khăn về học hành, hãy xác định tình trạng “mất gốc” ở học phần nào, mức độ nào, tìm những phương án giải quyết thông qua các kênh hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp như thầy cô, bạn bè, thư viện, tài nguyên internet, các nhóm/cộng đồng học tập… Nếu là khó khăn về các kỹ năng mềm (chẳng hạn như nói chuyện trước đám đông, tư duy sáng tạo…), hãy tự hỏi bản thân đang thiếu sót kỹ năng gì và tập trung rèn luyện kỹ năng đó bằng các hình thức như tham gia khóa học, hội/nhóm/Đoàn/Đội/câu lạc bộ… Các em đừng để cảm xúc lùi bước ngự trị và tự bản thân đóng cửa trái tim mình. Hãy tìm những lời khuyên, chỗ dựa từ thầy cô, gia đình, bạn bè, nhà trường…
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)