Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bảo mẫu: Có yêu trẻ mới gắn bó với nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ, nhiều bảo mẫu (BM) vượt qua không ít khó khăn để gắn bó với công việc đầy vất vả, trách nhiệm cao, lương không đủ sống. Ngoài công việc chính, BM còn là người đóng góp lớn trong việc giáo dục kỹ năng cho HS.

Cô Hoàng Thị Thúy Hồng đang giao lưu tại Ngày hội tuyên dương BM do Phòng GD-ĐT Q.1 tổ chức vừa qua. Ảnh: N.Trinh

Từ chối làm phó hiệu trưởng để làm BM

Đó là trường hợp cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, BM Trường TH Lương Định Của (Q.3). Năm 1974, học xong trung cấp sư phạm, cô nộp hồ sơ vào làm BM tại Trường MN Hoa Mai (Q.3). Trong thời gian 17 năm công tác, cô được bầu làm phó hiệu trưởng chuyên môn nhưng cô từ chối và tiếp tục xin làm BM tại Trường TH Lương Định Của đến nay.

“Nhiều người bảo tôi dở hơi khi từ chối làm phó hiệu trưởng để tiếp tục gắn bó với công việc vất vả, trách nhiệm cao, lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhưng vì đã chăm sóc trẻ một thời gian dài, hiểu các bé cần gì nên mọi khó khăn trở nên bình thường. Khi làm ở bậc TH, thời gian bớt gò bó, Ban Giám hiệu quan tâm nhiều khiến tôi có thêm niềm vui, động lực để gắn bó với nghề”, cô Thúy cho biết.

Thông thường mỗi buổi sáng, các BM phải đến trường trước HS. Công việc đầu tiên là quét dọn, lau chùi bàn ghế. HS vào lớp, các cô bắt đầu giặt giũ khăn, chuẩn bị bàn ăn. Đến giờ ăn trưa, phải nhanh chóng điểm danh danh sách rồi nhận bàn, sắp xếp đồ ăn, phát khăn, chén đĩa và quản HS ăn rồi tiếp tục hướng dẫn các em vệ sinh, đánh răng để chuẩn bị ngủ trưa. Trước khi vào giờ học chiều, HS được BM thu xếp phòng ngủ, chỉnh trang trang phục, sau đó BM tiếp tục chuẩn bị đồ ăn xế. Đến giờ tan trường, các cô tham gia trông nom, giao trả HS tận tay phụ huynh, chỉ ra về khi lớp học không còn HS.

Cô Thúy chia sẻ, ngày nào cũng như ngày nào, công việc luôn chân luôn tay. Và không đơn thuần cho trẻ ăn, ngủ, trong quá trình làm gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Đó là lúc HS ói lên người, thậm chí ị trong quần. Hơn nữa, tuổi này trẻ hiếu động, chạy nhảy khiến BM rất lo sợ các em vấp ngã, bầm tím, trầy xước, thậm chí mất đồ cá nhân. Nhiều BM đã bị phụ huynh mắng vốn nên không ít BM trẻ tuổi vào làm được một thời gian ngắn là nghỉ.

Theo cô Thúy, trẻ nhỏ rất nghe lời, yêu quý các cô, nhất là HS lớp 1. Ngay ngày đầu vào lớp, trẻ được các cô hướng dẫn nề nếp ăn ngủ, nghỉ cũng như các hành vi lễ phép. Trải qua thời gian gắn bó, mọi trẻ đều xem BM như người thân, điều này giúp các cô có thêm niềm vui hơn trong công việc.

BM kiêm cô giáo rèn kỹ năng

Cô Hoàng Thị Thúy Hồng, BM lớp 5/3, Trường TH Kết Đoàn (Q.1) gắn bó công việc đến nay cũng được 27 năm. Cô là một BM luôn quan tâm đến HS, đặc biệt là HS tăng động, tự kỷ và các em HS nữ lớp 4, 5.

Cô Hồng tâm sự: “So với HS bình thường, HS tăng động rất hung hăng và rất nghịch. HS tự kỷ, cũng có em rất dữ, nhưng cũng có em ít nói, không hòa đồng. Với HS dữ, mình phải nghiêm, mạnh lời, kèm theo những giảng giải cụ thể để các em nhận ra đâu là hành vi đúng sai. Ngược lại, những em ít nói, khép kín, mình nên thường xuyên nói chuyện. Trong bữa ăn khuyến khích các em giới thiệu món ăn, chất dinh dưỡng… để các em mạnh dạn, hòa đồng hơn. Riêng HS nữ lớp 4, 5, một số em bước vào tuổi dậy thì nhưng lại thiếu kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Quan tâm, chỉ bảo các em là lẽ thường tình, cũng như chỉ bảo cho chính con em mình vậy”.

Thời điểm cô Hồng mới đi làm, mỗi năm học, toàn trường chỉ có 1, 2 HS tự kỷ, nhưng hiện nay chỉ riêng lớp cô có đến 2 HS, có lớp khác tận 4, 5 em. Được sự quan tâm thường xuyên, thông qua những hành động tưởng chừng nhỏ của cô Hồng nhưng đã giúp các em tiến bộ mỗi ngày về hành vi, cách ứng xử. Các giáo viên đứng lớp theo đó cũng giảm bớt khó khăn trong quá trình giáo dục các em.

Nhớ về thời điểm mới đi làm, có lần giáo viên chủ nhiệm nghỉ vì việc riêng, cô và các BM khác đã thay phiên quản mấy chục HS giữ trật tự. Vốn non kinh nghiệm, HS lại hiếu động, không nghe lời đã khiến cô phạt các em quỳ gối. Trước sự việc, phụ huynh làm đơn thưa, ban giám hiệu khiển trách. Đây là một bài học để cô rút kinh nghiệm để làm tốt hơn…

Suốt 27 năm làm BM, đã vài lần cô có ý định tìm công việc khác. Bởi thu nhập từ lương hợp đồng không đủ để trang trải cuộc sống bản thân và nuôi con ăn học. Nói ngay thu nhập hiện tại của cô cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Nhưng mất cái này được cái khác. Chính vì sự quan tâm chu đáo của cô dành cho HS khiến nhiều phụ huynh tin yêu, mời cô về nhà kèm cặp, báo bài thêm cho các em vào buổi tối. Nhờ vậy cô cũng có thêm đồng ra đồng vào để nuôi con.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)