Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa IX chiều 8-12. Ngoài những bức xúc về nạn bến cóc, xe dù vẫn chưa được giải quyết triệt để như lời hứa của Giám đốc Sở GTVT tại kỳ họp trước đó, hàng loạt dự án bị “treo” cũng được các đại biểu đặt ra.
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt chất vấn Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chiều 8-12. Ảnh: M.B |
Hơn 100 dự án “treo”
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt chất vấn: “TP đã mạnh dạn phân cấp một số công trình cho quận, huyện, bên cạnh những dự án thực hiện đúng tiến độ thì vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Vậy TP xử lý trách nhiệm như thế nào đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ? Đồng thời, nếu chủ đầu tư chậm triển khai thì TP có thể phân cấp về cho quận, huyện hay không?”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Các dự án hiện đang triển khai có những dự án đúng tiến độ, đạt kết quả tốt nhưng cũng có dự án tiến hành chậm. Qua báo cáo của các cơ quan chức năng, TP hiện còn hơn 100 dự án treo. Quan điểm UBND TP là không chấp nhận dự án đã được cấp giấy phép đầu tư mà triển khai chậm, kéo dài ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân TP. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “UBND TP sẽ giao các cơ quan chức năng xử lý những trường hợp dự án kéo dài, tìm hiểu điều kiện các dự án đã triển khai, nếu không triển khai được thu hồi lại”.
Cùng với dự án “treo”, tình hình ùn tắc giao thông, xe dù, bến cóc… cũng ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân. “TP đã nhiều lần quyết tâm triệt để nạn xe dù, bến cóc, cụ thể như tại kỳ họp thứ hai HĐND TP, Giám đốc Sở GTVT đã hứa cuối tháng 8-2016 sẽ chấm dứt nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện triệt để. Vậy làm sao đến bây giờ Sở GTVT vẫn chưa thực hiện được? Nếu sau năm 2016 vẫn tồn tại tình trạng này thì UBND TP có hướng giải quyết như thế nào”, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, UBND TP đã nhiều lần chỉ đạo Sở GTVT giải quyết dứt điểm thực trạng xe dù, bến cóc, đồng thời yêu cầu sở này hạn chót là cuối tháng 12 phải xử lý xong. Nếu không triệt để sẽ xem xét trách nhiệm đối với từng bộ phận để có hình thức xử lý thỏa đáng.
Lo lắng về dịch bệnh tăng trong dịp lễ tết
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và virus Zika nhưng hiện nay dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt thời gian tới là các ngày nghỉ lễ, Tết, sẽ có nhiều khách du lịch tới TP, vậy ngành y tế có những giải pháp nào để ngăn chặn sự lây lan này? Đó là những vấn đề đại biểu đặt ra cho Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trong phiên chất vấn sáng cùng ngày.
Đại biểu Trần Hải Yến chất vấn: “Thời gian qua TP quyết liệt phòng chống virus Zika và sốt xuất huyết nhưng những dịch bệnh này vẫn gia tăng, đặc biệt là hiện TP có gần 100 người bị virus Zika. Vậy thời gian tới ngành y tế TP tập trung những giải pháp nào để khống chế tình hình này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng thắc mắc: “Trong thời gian tới diễn ra lễ tết, du khách đổ về nhiều, vậy công tác dự báo dịch bệnh của TP trong thời gian tới như thế nào, TP sẽ có giải pháp hữu hiệu nào thực hiện công tác này, đặc biệt là địa bàn có nhiều điểm nóng?”.
Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định, cả hệ thống chính trị, ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc để chống dịch bệnh như virus Zika và sốt xuất huyết. Nhằm kiên quyết giảm nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết và virus Zika, ngành y tế tiếp tục tầm soát trên diện rộng. “Chúng tôi đã áp dụng theo mô hình của Singapore để phun thuốc lan rộng, nghĩa là trang bị mỗi quận, huyện một máy lớn để đảm bảo phun trên diện rộng chứ không khoanh vùng 200m như trước đây. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng, tư vấn cho thai phụ hiểu và đề phòng…”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng TP hiện có mật độ dân số cao, dịch bệnh xảy ra thường có tốc độ lây lan khá rộng. Tuy nhiên, ngành y tế đã có kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, đồng thời Ban Thường trực Thành ủy và UBND TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt phòng chống dịch bệnh, ý thức người dân nâng lên nên TP đã kiểm soát được dịch bệnh.
Cùng với việc đánh giá cao kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý: “Dịch bệnh có khả năng kiểm soát được nhưng nhìn nhận mỗi khi có bệnh truyền nhiễm thì TP có số ca mắc khá đông. Vì vậy ngành y tế cần lưu ý đến khả năng phòng dịch cho đội ngũ y tế, công tác truyền thông để người dân phối hợp phòng bệnh…”.
Mỹ Bình
Bình luận (0)