Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành góp phần phát triển kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề này được bà Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nêu ra tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2023, do Sở Công thương TP.HCM tổ chức sáng 21-12.


Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng  tham quan các gian hàng

Bà Phan Thị Thắng  cho biết, dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5-5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đóng góp vào mức tăng trưởng khá ấn tượng nêu trên, là hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng11 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng trưởng có đóng góp lớn của TP.HCM. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố tháng 11 ước đạt 108.022,6 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ (tăng 14,6%). Theo đó, lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.081.301 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đồng thời là giải pháp hữu hiệu bình ổn thị trường, đặc biệt trong dịp cao điểm như tết Nguyên Đán.

Do đó, hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành lần thứ 12 cùng chuỗi các sự kiện có ý nghĩa to lớn, không chỉ đối với phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là động lực mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước; là giải pháp hữu hiệu để cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán.

“Qua 11 năm triển khai thực hiện, xét về quy mô, hiệu quả của hội nghị kết nối cung – cầu ngày càng được mở rộng, hàng hoá dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày một nhiều. Từ chỗ chỉ là hội nghị kết nối hàng hoá đơn thuần, đến nay, hội nghị đã được xây dựng một cách quy mô và phong phú, đa dạng với sự tham gia của khoảng 45 tỉnh, thành phố”, bà Thắng đánh giá.


Người dân mua sắm sản phẩm từ các tỉnh thành tham gia chương trình kết nối cung cầu, sáng 21-12

Nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị UBND TP.HCM, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai công tác cần tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước. Qua đó, nâng cao chất lượng, sức cạnh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới;

Tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu trực tuyến; kết hợp giữa phương thức phân phối trực tiếp và trực tuyến, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối; tạo điều kiện thực hiện kết nối cung cầu trực tuyến 24/7.

Tập trung nguồn lực để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm, dịch vụ được bình chọn Thương hiệu vàng thành phố, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, sản phẩm OCOP… Kết hợp chặt chẽ việc triển khai Chương trình kết nối cung cầu với Chương trình bình ổn thị trường để tạo nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới;

Bà đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”; chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; chương trình kết nối nguồn hàng đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thuộc ngành công thương; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2023 là hoạt động cấp vùng nhằm cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo thành phố, kết nối 2 chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng thành phố, nhất là các dịp lễ, tết.

Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2023 bao gồm các hội thảo: “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội tăng trưởng toàn cầu dành cho doanh nghiệp Việt Nam”; “Giải pháp tăng doanh số và cơ hội kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Tiki”; “Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Việt thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com”. Bên cạnh đó là các hoạt động: Không gian kết nối tập trung; kết nối B2B chuyên đề theo địa phương; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đặc sắc của các địa phương, vùng miền; kết nối trực tuyến.

Hội nghị diễn ra từ ngày 21 đến 24-12, tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ.

N.Trinh

 

Bình luận (0)