Dự kiến từ năm học 2018-2019, bộ SGK mới của TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng chính thức. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, bộ SGK này sẽ tinh giản về mặt kiến thức nhưng vẫn đảm bảo được tính hiện đại và thực tiễn.
Trước khi biên soạn SGK riêng, Sở GD-ĐT TP đã biên soạn bộ tài liệu dạy học các môn toán, lý… ở bậc THCS. Ảnh: M.Châu |
Biên soạn bởi nhiều giáo viên giỏi
Việc TP.HCM biên soạn SGK theo khung chương trình mới là tín hiệu mừng cho HS thành phố trong việc tiếp cận đổi mới giáo dục, phát triển năng lực. Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng về việc tại sao phải có bộ SGK mới này, việc chuẩn bị như thế nào, đặc biệt đội ngũ biên soạn…
Theo đánh giá của nhiều giáo viên và HS, bộ SGK hiện nay nặng tính hàn lâm, nặng về trang bị kiến thức, ít tạo điều kiện cho giáo viên thoải mái sáng tạo, sử dụng những phương pháp dạy học mới, tiên tiến, tích cực; chưa tạo điều kiện tốt cho việc tự học của HS; chưa sát với thực tiễn của địa phương, chưa đẩy mạnh việc vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề cuộc sống. Do đó, bộ SGK mới phải khắc phục được những tồn tại, thiếu sót của SGK hiện hành và tiếp cận với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới…
TP.HCM là nơi hội tụ nhiều nhà khoa học nghiên cứu đầu ngành, nhiều nhà quản lý giáo dục cùng với đội ngũ nhà giáo giỏi, năng động, sáng tạo và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; luôn là địa phương đi đầu trong việc đổi mới, cải tiến, đột phá về giáo dục. Trong những năm qua, đội ngũ làm chuyên môn của ngành GD-ĐT TP.HCM cũng đã từng biên soạn một số bộ tài liệu dạy học cho bậc THCS rất tốt, được nhiều giáo viên và HS sử dụng.
Nói về việc đội ngũ biên soạn bộ SGK mới này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Việc biên soạn sách không chỉ quy tụ các chuyên gia, học giả hàng đầu của thành phố mà còn tập trung nhiều giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm trong việc biên soạn các bộ sách tham khảo. Đó là những thầy cô giáo vừa am hiểu về chuyên môn, vừa có năng lực giảng dạy và có kinh nghiệm sư phạm, gần gũi và gắn bó với HS”.
Được biết, đội ngũ làm sách trong hơn một năm qua đã liên tục được tham gia các buổi tọa đàm, thảo luận về đổi mới giáo dục. Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách đã mạnh dạn mời những chuyên gia hàng đầu về giáo dục của các nước đến nói chuyện, định hướng về bộ sách mới, mở ra nhiều ý tưởng và phương pháp tiếp cận mới cho đội ngũ. Bên cạnh đó là những buổi trao đổi sâu, thẳng thắn về chuyên môn của từng nhóm tác giả để hình thành nên khung của từng bài, từng phần trong bộ sách…
Tích hợp các đặc thù của thành phố
Với đội ngũ biên soạn có chuyên môn cao, gắn bó chặt chẽ với HS, bộ SGK mới của TP.HCM sẽ có những đặc thù như thế nào, giảm tải ra sao?
Tại buổi làm việc mới đây với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: “Việc biên soạn bộ SGK mới phải đảm bảo được các mục tiêu, tuân thủ các nguyên tắc chung, bảo đảm các quy tắc về chuẩn kiến thức, kỹ năng bám sát chương trình chung của Bộ GD-ĐT”.
Bộ SGK mới đang được Sở GD-ĐT TP.HCM khẩn trương biên soạn nhưng hết sức thận trọng, dự kiến thử nghiệm từ năm học 2017-2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018-2019. |
Và bộ sách này không chỉ dạy cho HS các kiến thức cơ bản mà còn phải giúp các em cách học, cách tìm kiếm, xây dựng, hệ thống kiến thức, rèn luyện năng lực tự học, năng lực về công nghệ thông tin, năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc dạy chữ để dạy người cũng sẽ được đặt ra trong quá trình biên soạn nhằm hình thành nhân cách sống tốt, phù hợp cho HS ngay từ những năm đầu của bậc phổ thông; qua đó, góp phần phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS.
Đặc biệt, theo ông Hiếu, bộ SGK mới sẽ đưa vào nhiều hơn những nội dung hợp với đặc thù riêng của thành phố về lịch sử, địa lí, văn hóa, con người, kinh tế… hướng đến xây dựng một thế hệ công dân của thành phố có năng lực, trình độ, phẩm chất, hoài bão đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của thành phố trong tương lai.
Vấn đề này được thể hiện cụ thể như: Soạn thảo và giảng dạy các chủ đề tích hợp ở các bộ môn và SGK lịch sử TP.HCM. Đồng thời, bộ sách sẽ chú ý đến phương ngữ vùng, miền. SGK mới từng bộ môn sẽ thực hiện theo cấu trúc: ngoài các chủ đề dạy học bộ môn còn có các chủ đề dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, gắn với TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Hoạt động giáo dục địa phương được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng: giảng dạy bằng SGK lịch sử TP.HCM và lịch sử Đảng bộ Sài Gòn Gia Định – TP.HCM, bằng các chủ đề dạy học trong nhà trường cũng như các hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài nhà trường…
Minh Châu
Bình luận (0)