HLV Philippe Troussier rời đi và để lại một 'công trường ngổn ngang' cho người kế nhiệm. Vực dậy đội tuyển Việt Nam là một thách thức nhưng cũng có rất nhiều cơ hội cho bất cứ HLV nào.
Sau khi đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với HLV Troussier, VFF đang gấp rút tìm kiếm thuyền trưởng mới cho đội tuyển Việt Nam.
Rất nhiều chiến lược gia tên tuổi đã gửi CV đến VFF, điển hình là HLV Roberto Donadoni – cựu thuyền trưởng đội tuyển Ý, Kim Sang-sik – người từng dẫn dắt CLB Jeonbuk giành chức vô địch K-League hay Kim Do-hoon – chiến lược gia giúp CLB Ulsan Hyundai lên ngôi vương AFC Champions League.
Trong khi đó, HLV Alexandre Polking – người cùng đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2 lần liên tiếp – khẳng định rằng bất cứ HLV nào ở Đông Nam Á cũng mong muốn được dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.
Vậy tại sao chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lại thu hút đến như thế, bất chấp việc “Những chiến binh sao vàng” vừa trải qua những thất bại nặng nề?
Đầu tiên, đội tuyển Việt Nam vẫn sở hữu một đội hình rất chất lượng. Hàng loạt cầu thủ từng thành danh dưới thời HLV Park Hang-seo vẫn ở đỉnh cao phong độ và đang có độ tuổi được xem là chín muồi. Đó là Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Thành Chung…
HLV Polking
HLV Polking chia sẻ với PV: “Đội tuyển Việt Nam sở hữu đội hình chất lượng. Tôi tin rằng mình có thể giúp họ tiến bộ. Tôi thực sự rất thích các cầu thủ Việt Nam đấy. Các bạn có rất nhiều cầu thủ chất lượng. Tôi hy vọng được dẫn dắt đội tuyển Việt Nam”. Những thất bại liên tiếp đến đến từ việc dùng người thiếu hợp lý của HLV Troussier. Chiến lược gia người Pháp quá tin tưởng vào những cầu thủ trẻ và để nhóm cựu binh ngồi dự bị hoặc thi đấu rất ít. Đây là bài học mà người kế nhiệm của HLV Troussier có thể rút ra.
Tiếp theo, thử thách trong khoảng thời gian sắp tới của HLV đội tuyển Việt Nam sẽ nhẹ hơn ông Troussier. Trước mắt, hai trận gặp đội tuyển Philippines và Iraq tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026 không còn mang nhiều ý nghĩa khi chúng ta gần như chắc chắn bị loại. Giải đấu quan trọng tiếp theo sẽ là ASEAN Cup 2024 (tên gọi mới của AFF Cup). Nếu đưa đội tuyển Việt Nam vào đến chung kết, tân HLV trưởng có thể coi như đã hoàn thành nhiệm vụ.
Chuyên gia Phan Anh Tú, cựu quyền Tổng thư ký VFF nói: “Ở ASEAN Cup, chúng ta cần đặt mục tiêu vừa phải. Vô địch là tốt bởi chúng ta có thể lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Nhưng chúng ta cũng tránh đặt nặng thành tích để khiến cầu thủ chịu nhiều áp lực, nhất là khi đội tuyển vừa trải qua chuỗi trận khó khăn, tinh thần đi xuống”.
Tại AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam giành quyền vào chung kết nên sẽ được xếp vào nhóm hạt giống số một, nhiều khả năng rơi vào một bảng đấu thuận lợi. Nếu có thể giúp các cầu thủ lấy lại trạng thái tâm lý tốt, cộng thêm việc tính toán hợp lý, việc HLV mới đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết ASEAN Cup 2024 là điều không bất ngờ.
Chuyên gia Phan Anh Tú cũng nhận định: “Ở đấu trường Đông Nam Á, tôi nghĩ sự chênh lệch trình độ cũng không quá nhiều đâu”. Một yếu tố quan trọng khiến sức hút của chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam trở nên lớn hơn nhiều là “hào quang”. Nếu giúp thành tích của đội tuyển đi lên, giúp cổ động viên Việt Nam bùng nổ với những cảm xúc hạnh phúc, HLV đó có thể đổi đời.
Hãy nhìn HLV Park Hang-seo. Suốt cả sự nghiệp, ông gần như là một HLV “vô danh” ở Hàn Quốc. Nhưng nhờ đưa đội tuyển Việt Nam chạm đến nhiều đỉnh cao mới, ông trở thành gương mặt nổi tiếng ở quê nhà, là cầu nối về văn hoá, thể thao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Còn danh tiếng, tiền tài… của ông ở Việt Nam là không cần bàn tới!
Điểm giống nhau giữa HLV Park và tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam sắp tới là họ đều nhận việc ở thời điểm niềm tin của người hâm mộ đang chạm đáy. Như người ta vẫn nói, chinh phục đỉnh cao khó, duy trì đỉnh cao còn khó gấp trăm lần. Lúc này, đội tuyển Việt Nam trở lại vị thế phải chinh phục đỉnh cao. Đó là lợi thế của tân HLV trưởng sắp tới.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)