Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà trường phải giúp HS,SV trở thành công dân có trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Để đổi mới căn bản toàn diện, những người làm giáo dục cần nắm vững mục tiêu “học và dạy làm người”, hình thành nhân cách người học và quán triệt mục tiêu đó trong mọi hoạt động giáo dục. Nhà trường phổ thông, ĐH-CĐ phải là một môi trường văn hóa tiêu biểu.

Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam) đã nhấn mạnh điều này khi tham dự hội thảo “Hệ giá trị – mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục” ngày 10-12 do Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ, Sở GD-ĐT TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phối hợp tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hướng đến khắc phục tình trạng nhà trường của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và xã hội. Nhưng đến nay việc triển khai nghị quyết còn chậm, nhiều vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, làm rõ. Điều quan trọng và khó nhất là thay đổi nhận thức về một số vấn đề cơ bản của giáo dục, trước hết là mục tiêu giáo dục. Theo nguyên Phó Chủ tịch nước, mục tiêu giáo dục cô đọng lại theo tinh thần Nghị quyết 29 là “học và dạy làm người”. Nghĩa là nhà trường phải giúp HS,SV có phẩm chất và năng lực, đạo đức, kiến thức và kỹ năng để trở thành những người lao động tự chủ và sáng tạo; những công dân có trách nhiệm với đất nước và xã hội, đủ khả năng bảo vệ và xây dựng đất nước trong một thế giới toàn cầu hóa với những cơ hội và không ít thách thức.

Để đổi mới căn bản toàn diện, những người làm giáo dục cần nắm vững mục tiêu “học và dạy làm người”, hình thành nhân cách người học và quán triệt mục tiêu đó trong mọi hoạt động giáo dục. “Hiện ngành giáo dục đang xây dựng chương trình và chuẩn bị viết SGK cho các cấp học phổ thông. Tôi nghĩ các đồng chí có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia xây dựng chương trình và viết SGK rất cần quán triệt mục tiêu cốt lõi này. Đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đó, mỗi nhà giáo cần hiểu rõ và kiên trì thực hiện với thái độ tích cực chủ động, sáng tạo trong giảng dạy. Nhà trường phổ thông, ĐH-CĐ phải là một môi trường văn hóa tiêu biểu”, bà Bình nói.

Bà Bình cũng đề cập, văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi bộc lộ ở mọi mặt đời sống, rõ rệt nhất là những biểu hiện bất chấp quy phạm đạo đức, pháp luật diễn ra hằng ngày. Trường học, nơi có sứ mạng hình thành, phát triển những giá trị và chuẩn mực văn hóa, đạo đức ở thế hệ trẻ cũng đang đối mặt với tệ nạn gian dối và bạo lực. Tội phạm gia tăng, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên…

Từ đó, bà Bình nhấn mạnh, GD-ĐT cần tự đặt mình vào hàng đầu của công cuộc chấn hưng văn hóa, coi mục đích tối thượng của mình là “phát triển con người – dạy và học làm người” chứ không chỉ đơn thuần cung cấp nhân lực (dù nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề bức bách).

M.Tâm

Bình luận (0)