'Người làm kinh doanh nếu thấy khả năng sinh lợi thì chắc chắn phải đầu tư' – TS Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Unigroup (U&I), đã khẳng định như vậy khi quyết định đưa U&I đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực vận tải, xây dựng, sản xuất, bất động sản… rẽ thêm lối mới vào nông nghiệp công nghệ cao, với thương hiệu Unifarm.
Ông Mai Hữu Tín là tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ vào năm 2004. Về nước, ông mở công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải, xây dựng, sản xuất, bất động sản… Đến năm 2009, Công ty CP nông nghiệp Unifarm (trực thuộc Unigroup) do ông sáng lập, chính thức đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái, H.Phú Giáo, Bình Dương) với diện tích trên 400 ha, chuyên trồng các loại rau củ quả, trái cây… và là nông trại đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Một trong những loại cây được chọn trồng tại nông trại là dưa lưới. Loại dưa này từ 2010 trở về trước ở VN hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Unifarm bắt đầu xây dựng nhà kính theo công nghệ của Israel, trồng dưa lưới để thay thế sản phẩm nhập khẩu. Những năm đầu, mỗi héc ta nhà kính phải nhập khẩu từ Israel trị giá lên đến 7 tỉ đồng. Những năm sau, Unifarm tự sản xuất được nhà kính thay thế sản phẩm nhập khẩu với giá chỉ 4 tỉ đồng. Đến nay, Unifarm đã trồng được trên 6 ha dưa lưới cho thu hoạch trung bình hơn 100 tấn/ha/năm, doanh thu đạt 3 tỉ đồng/ha/năm.
Một loại cây trồng khác là chuối, với hơn 250 ha giống nhập từ Philippines và chuối già VN, cho thu hoạch với sản lượng 100 tấn/ngày (vào thời điểm thu hoạch rộ), doanh thu đạt từ 150 – 400 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, nông trại Unifarm còn có hàng trăm héc ta cây trái có múi như chanh, bưởi, cam, quýt… cho thu hoạch ban đầu với doanh thu 1,5 tỉ đồng/ha/năm. Theo dự kiến của Unifarm, từ năm 2016 trở đi, doanh thu bán sản phẩm trên 1 ha đã trồng cây trái sẽ đạt trung bình 2,64 tỉ đồng/năm và tăng từ 5 – 10% vào các năm kế tiếp. Các sản phẩm của Unifarm có mặt ở khắp các siêu thị trong cả nước.
Với khẩu hiệu "Thực phẩm an toàn vì cuộc sống", Unifarm là nông trại đầu tiên tại Bình Dương đạt chứng nhận GlobalGap và cũng là nông trại đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ GlobalGap cho các sản phẩm dưa (dưa lưới, dưa hoàng kim, dưa tú thanh). Trong tương lai, Unifarm tiếp tục đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại H.Dầu Tiếng (Bình Dương) có diện tích từ 1.000 – 2.000 ha.
Ông Mai Hữu Tín chia sẻ: "Trước khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Unigroup tin rằng khi có cách làm phù hợp thì nông nghiệp VN sẽ tạo ra những sản phẩm cạnh tranh được với khu vực và thế giới. Việc ứng dụng công nghệ phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra sức cạnh tranh đó. Do vậy Unigroup chọn hướng đi này". Theo ông, có rất nhiều công nghệ khác nhau có thể ứng dụng trong nông nghiệp. Tùy thổ nhưỡng, khí hậu, loại cây trồng, khả năng của người lao động, ta có thể cân nhắc các công nghệ phù hợp. Đương nhiên với công nghệ mới hoặc chưa từng được ứng dụng tại VN thì việc đào tạo người là quan trọng. “Cá nhân cũng không có kiến thức sâu về nông nghiệp, nhưng Unigroup có các đối tác, nhà quản lý chuyên nghề mà chúng tôi đầu tư. Đến giờ này chúng tôi có thể tự hào nói rằng trong một vài sản phẩm nông nghiệp cụ thể thì nhân sự về quản trị và kỹ thuật của chúng tôi đã đạt chuẩn quốc tế” – ông Tín nói.
Sau hơn 6 năm đầu tư và phát triển, đến nay Unifarm đã thực hiện lấp đầy canh tác trên diện tích hơn 411 ha đất tại khu nông nghiệp An Thái. Hệ thống tưới tiêu trong khu nông nghiệp đều được tự động hóa phù hợp với từng loại cây trồng. Cụ thể như dưa lưới được sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Cây chuối được tưới nước bằng hệ thống tưới ngược từ dưới đất lên. Các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi… được tưới bằng hệ thống phun sương, công nghệ của Đài Loan. "Hiện nông nghiệp đang có tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ hoạt động của Unigroup. Nhưng chúng tôi xác định đây là lĩnh vực sẽ được ưu tiên đầu tư mở rộng nhiều hơn nữa trong thời gian gần. Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội rất lớn trong lĩnh vực này” – ông Tín đúc kết.
Đỗ Trường (TNO)
Bình luận (0)