Ngày 16-9, Ban Công tác phía Nam – Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình truyền thông dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 (gọi tắt là Dự án 8), với sự tham gia của hơn 600 phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.
Hình minh họa
Dự án 8 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, chương trình truyền thông tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm: phim, sách lật điện tử, tờ gấp, câu chuyện truyền thanh, bản tin phát thanh và các sản phẩm quà tặng của chương trình nhằm chuyển tải các nội dung “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đến với đông đảo phụ nữ và người dân trên địa bàn.
Chương trình còn biểu diễn nghệ thuật sân khấu (kịch nói) về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nội dung vở kịch xoay quanh đề tài: Gia đình thời hiện đại với những áp lực công việc, kinh tế, ứng xử vợ, chồng, mối quan hệ xã hội… dẫn đến bạo hành gia đình.
Thông qua hình thức nghệ thuật sân khấu, vở kịch “Đừng im lặng” đã cung cấp kiến thức; hướng dẫn phụ nữ, trẻ em biết bảo vệ bản thân trước nạn bạo hành gia đình; đồng thời mang đến cách nhìn đúng đắn, thực tế hơn về các nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình…
Bên cạnh đó còn chuyển tải các thông điệp về văn hóa ứng xử, sự yêu thương, sẻ chia, cùng chung tay vun đắp gia đình bình an, xây dựng xã hội hạnh phúc. Việc sử dụng hình thức sân khấu hóa trong hoạt động truyền thông giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt là với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… từ đó giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm một cách hiệu quả.
Chương trình cũng tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội phạm “Cố ý gây thương tích”. Phiên tòa giả định được Chi hội Luật sư – Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM thực hiện một cách trực quan sinh động thông qua các tình huống giả định về trường hợp phạm tội liên quan đến bạo lực học đường. Qua đó, nâng cao nhận thức của học sinh và trách nhiệm của phụ huynh và thầy, cô giáo trong việc quan tâm, giáo dục con em, học sinh của mình trước vấn đề bạo lực đối với học sinh trong và ngoài trường học, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật.
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức không gian văn hóa đọc và chương trình phim hoạt hình đến với trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi tạo sân chơi để các em được gặp gỡ, giao lưu, đọc sách.
Trao tặng 100 phần quà với nhiều mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm, đồ gia dụng, hóa phẩm, quần áo và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe góp phần hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 100% hộ nghèo của xã Thạnh Thới An, tham gia cùng với địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, với tổng kinh phí thực hiện hơn 600 triệu đồng.
Theo Ban Công tác phía Nam – Hội LHPN Việt Nam, các hoạt động của chương trình góp phần nâng cao kiến thức để phụ nữ và trẻ em DTTS, miền núi “thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng”; thiết thực chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS.
N.Trinh
Bình luận (0)