Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cần sự chung tay để bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là mong mỏi của các đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” do Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản – In – Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vừa tổ chức.


Ban tổ chức lắng nghe ý kiến về việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

Theo ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhờ sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đặc biệt là các công nghệ số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm đe dọa tới sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia Asean.

Ông Nguyễn Nguyên cho biết, hành vi vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng hiện có 3  hình thức phổ biến: Bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội; Sử dụng các website, ứng dụng OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền nhưng đặt ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên internet, các mạng xã hội phổ biến để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn); Lợi dụng công nghệ số để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.


Đại biểu nhiều quốc gia tham dự hội thảo

“Các vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Tác giả và các đơn vị xuất bản Việt Nam dù đã chủ động triển khai một số giải pháp nhưng do tính đồng bộ chưa cao, kết quả thu được rất hạn chế. Để phát triển nền xuất bản, một trong những yêu cầu cơ bản nhất có tính tiền đề chính là hoàn thiện và thực thi các quy định về bảo vệ bản quyền. Điều này sẽ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, tạo một môi trường văn hoá phát triển lành mạnh cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản an toàn, hiệu quả”, ông Nguyễn Nguyên kiến nghị.

Ông Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á – cho rằng, nạn sách giả, sách lậu trên không gian mạng không thể được giải quyết chỉ bởi một quốc gia riêng lẻ mà cần có sự chung tay, phối hợp đấu tranh của tất cả các quốc gia.

“Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cần phải đi tiên phong trong vấn đề này. Các quốc gia sẽ nỗ lực phối hợp cùng nhau đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với hành vi vi phạm bản quyền trong thời gian tới”, ông Tuấn chia sẻ.


Đại biểu chia sẻ tại hội nghị

Tham gia hội thảo, các đại biểu từ các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan… đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp bảo vệ bản quyền sách của quốc gia mình.

Theo ông Atty. Dominador D. Buhain (đại biểu quốc gia Malaysia), cách bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng hiện tại của Malaysia là thông qua sự kết nối giữa tổ chức bảo vệ bản quyền và nền tảng để có thể gỡ bỏ sách giả, sách lậu ngay lập tức. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy các chính sách để có thể thu hồi giấy phép của các cơ sở in lậu, cũng như giáo dục để mọi người tôn trọng bản quyền và quyền kinh tế của người sáng tạo hơn”, ông Atty. Dominador D. Buhain cho biết.

Hồ Trinh

Bình luận (0)