Trong tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) góp ý là nhà ở xã hội và thời hạn sử dụng nhà chung cư. Các góp ý đều có một điểm chung là làm sao phải đảm bảo để người dân, nhất là người có thu nhập thấp có được một chỗ ở an toàn, phù hợp…
Góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần đảm bảo người dân có nhà để ở
Cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn
Tranh luận về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM) cho rằng, chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị. Vì vậy, cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn.
Về vấn đề đảm bảo an toàn, ĐB Nghĩa cho rằng cần quy định rõ với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh. Ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.
Góp ý về bảo hành nhà chung cư, ĐB Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý đối với thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt, cấp 1. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 7 của dự thảo luật, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh sự khác biệt một cách phù hợp và hợp lý đối với thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng dành cho nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng dành cho các công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt, cấp một. Bởi tại Điểm b, khoản 2, Điều 7 dự thảo luật quy định về việc bảo hành nhà chung cư kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng có thời hạn tối thiểu là 60 tháng. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 35 Nghị định số 46 năm 2015 thì quy định thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp một.
Đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân
Đây là góp ý của ĐB Nguyễn Văn Hiển (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) về nhà ở xã hội.
Theo ĐB Hiển, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo luật. Tuy nhiên, chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Vì vậy, ĐB Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn. Cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội; tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.
“Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua. Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội”, ĐB Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo ĐB Hiển, nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê, bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội.
ĐB Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hà Nam) góp ý, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển tại khoản 6, Điều 13 dự thảo luật quy định: Công dân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Vậy nên cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; đồng thời xem xét lại quy định về điều kiện đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 64 quy định giá bán được xác định trên cơ sở các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, ao, hồ, trong đó có chi phí hợp lý để kiểm soát chặt chẽ giá bán trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người mua. Theo đó, ĐB Thắng đề nghị nghiên cứu làm rõ những chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán là chi phí gì.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bình Dương) cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động. ĐB Trân cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải thuê nhà còn khá lớn. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định tại Khoản 3, Điều 77 là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Tuy nhiên, nội dung này mới được quy định trong dự thảo luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.
Tuấn Anh
Bình luận (0)