Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM vừa phối hợp Học viện Cán bộ TP tổ chức Hội thảo khoa học: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có chất lượng đảng viên tốt thì không thể tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn công tác Đảng. Sự gương mẫu của đảng viên chính là phương thức lãnh đạo của Đảng…
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM – phát biểu tại hội thảo
Đổi mới cần bắt đầu từ đảng viên
Nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, ThS. Trịnh Hồng Công – giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị TP.Cần Thơ – cho biết, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí quan liêu cũng như những biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, việc quán triệt thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở vẫn còn có những hạn chế cần phải khắc phục. Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã đánh giá: “Trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện “lợi ích nhóm”, chủ nghĩa cá nhân, thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, thậm chí suy thoái, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
“Để phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 28 (NQ28), cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương. Từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình; tự giác thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả. Vị trí, chức vụ càng cao càng phải nêu gương. Đồng thời xây dựng phong cách làm việc năng động, sáng tạo, hiệu quả, nói đi đôi với làm, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành các nhiệm vụ để góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, thiết thực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”, ông Công nêu ý kiến…
ThS. Trịnh Xuân Thắng – Học viện Chính trị khu vực IV – cho rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề lớn, có rất nhiều nội dung với nhiều giải pháp khác nhau. Đảng viên là một thành tố của Đảng, do đó đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nên bắt đầu từ đảng viên.
“Chúng ta có cụ thể hóa quy trình, quy định về phương thức lãnh đạo của Đảng hay thế nào nhưng không có chất lượng đảng viên tốt thì cũng không thể tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, đảng viên là người góp phần xây dựng, tuyên truyền, tổ chức, thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng. Đảng viên cũng là người thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, sự gương mẫu của đảng viên là phương thức lãnh đạo của Đảng mà Đảng đã xác định từ lâu và càng được nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Để đảng viên tích cực tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, ngoài việc xây dựng quy chế ban hành nghị quyết thể hiện tinh thần dân chủ thì phải nâng cao chất lượng đảng viên để những ý kiến đóng góp của đảng viên là đúng định hướng và có chất lượng. Đảng viên phải có trí tuệ, năng lực tốt, đồng thời phải có tinh thần phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Nghị quyết phải được thể chế kịp thời
NQ28 nêu 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Đổi mới nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tổ chức cán bộ; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra giám sát; Phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.
Để sớm đưa NQ28 vào cuộc sống, bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM – đề xuất cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật một cách cụ thể. Đây là khâu quan trọng nhất, đang là điểm nghẽn lớn nhất, cản trở sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo bà Thảo, nhiều chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ và khả thi. Nhiều văn bản còn chung chung, dàn trải làm cho cơ sở gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân và chế độ trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ, còn chồng chéo. Việc phân cấp, phân quyền chưa mạnh dạn, trong thực tế nhiều việc còn ôm lên cấp trên, nặng cơ chế xin – cho, gây trễ nải, ách tắc công việc.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II – cho rằng, trong giai đoạn tới, công tác thể chế hóa cần được tiếp tục đẩy mạnh nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo tinh thần NQ28. NQ28 chỉ ra 2 hạn chế của thể chế hóa giai đoạn vừa qua, đó là chậm thể chế những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và hạn chế về tính khả thi của pháp luật được thể chế. Thực tiễn cho thấy, ở lĩnh vực nào, nơi nào chưa có chủ trương của Đảng nhằm định hướng rõ về đường lối chiến lược thì công tác thể chế hóa sẽ gặp nhiều lúng túng. Pháp luật có tính dự báo nhưng không thể đi trước đường lối chính trị. Trong trường hợp này, Bộ Chính trị cần kịp thời đề ra đường lối chiến lược với những vấn đề, nội dung lãnh đạo chính của đất nước như chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời không ngừng bổ sung, điều chỉnh phát triển đường lối và định hướng về chính sách theo tình hình thực tiễn.
“Thể chế hóa muốn đạt được mục tiêu mà NQ28 đề ra không chỉ dựa vào sự quan tâm lãnh đạo của Đảng mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, MTTQ, các cấp ủy chính quyền địa phương. Đây không phải là nâng cao nhận thức mà là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong hệ thống chính trị”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)