Trong quá trình dạy và học, việc kiểm tra, thi có mục đích rõ ràng là để đánh giá kết quả học tập, ghi nhận quá trình tiếp nhận kiến thức của học sinh và hiệu quả của công tác giảng dạy. Việc chấm điểm của từng bộ môn, nhất là môn ngữ văn, từng gây ra nhiều trăn trở cho người chấm, người thẩm bài, đánh giá bài. Vì các môn khoa học tự nhiên đều có đáp số cụ thể nên cứ theo đáp án mà chấm. Riêng môn ngữ văn thì bên cạnh đáp án, còn ít nhiều tùy thuộc vào “gu”, vào tâm trạng, tâm lý của người chấm.
Tôi tốt nghiệp ngành văn Trường Đại học Cần Thơ và ra trường dạy học từ năm 1981 ở một ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng xa. Tôi chấm điểm không dễ dãi, sửa từng câu, từng đoạn, từng bố cục, kết cấu một bài làm cho học sinh. Đồng thời cũng ghi nhận, động viên những mặt mạnh, những ý hay nhưng diễn đạt chưa rõ ràng của các em. Khi nhận bài và điểm số, các em đều “tâm phục khẩu phục”; thấy được mặt mạnh của mình để phát huy và thấy được những điểm còn hạn chế để từng bước khắc phục, mong bài sau có kết quả cao hơn. Đây là những con điểm thật, thực chất bởi hồi đó học thật, thi thật và có kết quả thật! Học sinh có học lực yếu hàng năm ở lại lớp đều có; thi rớt tốt nghiệp THPT cũng không ít. Vì thế, cả giáo viên và học sinh đều cố gắng hết mình, vượt qua nhiều vất vả, thiếu thốn để dạy tốt, học tốt. Vật chất thời bao cấp ấy có thể thiếu hụt nhưng sự trung thực trong học tập, trong thi cử không hề thiếu!
Sau này các trường đại học, cao đẳng có xét tuyển đầu vào bằng học bạ thì nhất loạt khắp nơi học sinh có những “học bạ đẹp” đến không ngờ! Phải chăng chất lượng giảng dạy và học tập ngày càng được nâng cao? Điểm số các môn học, kể cả môn ngữ văn đạt 9, 10 điểm quá dễ dàng. Các cột điểm trong sổ điểm vắng bóng dần điểm dưới trung bình mà toàn là từ khá trở lên. Đây là điểm số ảo, không thật, không phản ánh đúng thực học của học sinh.
Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa là do “bệnh thành tích”, do áp lực từ trên xuống, từ dưới lên, từ ngoài xã hội… Mặt khác, học sinh đi học thêm cũng luôn được giáo viên “tặng” điểm cao. Không giáo viên nào dám đánh giá đúng thực chất, cho điểm thực chất mà là cho điểm ảo, điểm “đẹp” để vừa hoàn thành “chỉ tiêu đăng ký đầu năm học”, vừa “được lòng” ban giám hiệu nhà trường.
Thực trạng giáo viên tự lừa dối mình không phải là chuyện hiếm hiện nay. Tự lừa dối mình để tồn tại, để yên thân, không bị gây khó dễ bởi họ hiểu “im lặng là vàng”. Xem ra chuyện học thật, thi thật, kết quả thật vẫn là câu chuyện dài nhiều tập.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)