Nhiều lo ngại từ phía các trường về chất lượng nguồn tuyển khi Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ điểm sàn ĐH, cùng với việc cho phép thí sinh xét tuyển không giới hạn nguyện vọng…
Thí sinh thi THPT quốc gia năm trước |
Đây là hai vấn đề được đại diện các trường đặc biệt quan tâm.
Đổ dồn vào ĐH, mất cân đối nhân lực?
TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, việc bỏ điểm sàn ĐH sẽ được thí sinh và phụ huynh đón nhận nhưng lại phủ nhận ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bấy lâu nay. Theo ông Lý, nên có ngưỡng cho CĐ là tốt nghiệp THPT, ngưỡng cho ĐH phải cao hơn.
Trường CĐ sẽ chịu sức ép lớn TS. Trần Mạnh Thành (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt) đánh giá, theo dự thảo mới, Bộ GD-ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, không hạn chế nguyện vọng đăng ký… sẽ tạo điều kiện tối đa cho thí sinh vào ĐH. Nói cách khác, thí sinh tốt nghiệp THPT là có thể được vào ĐH. Chưa kể, theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Chính phủ phê duyệt, thời gian đào tạo ĐH được giảm xuống, tối thiểu còn 3 năm, tương đương với thời gian đào tạo CĐ chính quy hiện nay, chắc chắn người học sẽ lựa chọn ĐH, trường CĐ sẽ rơi vào thế khó. |
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) Nguyễn Kim Quang nhận định, trước đây việc đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH nhằm tuyển chọn những người có đủ điều kiện cơ bản ban đầu để xét tuyển vào ĐH. Nay bỏ ngưỡng này (chỉ cần tốt nghiệp THPT) cùng với việc không giới hạn nguyện vọng xét tuyển trong khi tâm lý thí sinh bao giờ cũng mong muốn được học ĐH vì cho rằng sẽ… danh giá hơn, dễ dẫn đến việc một số em không đủ năng lực sẽ học hành rất vất vả ở trường ĐH, tốt nghiệp khó đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Trong khi đó, hệ CĐ và đào tạo nghề rất có nhu cầu trong xã hội phát triển. Nếu thí sinh tập trung hết vào ĐH thì khó khăn cho tuyển sinh của các trường CĐ và TC nghề, dẫn đến mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy cần xem xét việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH có ảnh hưởng gì đối với việc phân luồng thí sinh vào các bậc học hay không.
Có quan điểm ngược lại, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng, việc bỏ sàn ĐH là hợp lý vì các trường sử dụng quá nhiều phương án xét tuyển khác nhau rất khó có mức sàn chung. Theo ông Sơn, khi các trường chọn ngưỡng điểm xét tuyển để công bố sẽ cân nhắc lựa chọn ngưỡng vừa vặn. Những trường muốn giữ vững “thương hiệu” buộc lòng không được hạ quá thấp điểm.
Nhiều nguyện vọng cũng… không dùng hết
Trong khi nhiều trường lo “ảo” khi dự thảo cho phép thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng thì ThS. Phạm Thái Sơn nhận định rằng, nếu công tác hướng nghiệp được thực hiện tốt sẽ không có tình trạng các em “rải” nguyện vọng vào nhiều ngành mà thay vào đó, chỉ tập trung vào ngành yêu thích ở nhiều trường khác nhau. Điều này sẽ tránh được trường hợp như trước đây, thí sinh đăng ký một ngành yêu thích và “sơ-cua” thêm cả những ngành mình không thực sự hứng thú để khỏi lỡ cơ hội học ĐH. “Tuyển sinh bằng hình thức học bạ những năm gần đây thực chất không đề cập đến khái niệm nguyện vọng, các em đã thoải mái đăng ký rồi. Không lý do gì xét điểm thi lại không để các em thoải mái số lượng nguyện vọng cả”, ông Sơn nói.
Dành ít nhất 25% chỉ tiêu xét tuyển các khối thi truyền thống Theo dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy trình độ ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên, với những trường sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT yêu cầu phải sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017. Việc thêm các tổ hợp môn thi/bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong 2 môn thi độc lập là toán và ngữ văn để xét tuyển. Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/bài thi để xét tuyển cho một ngành. Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một bài thi toán hoặc ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển. Trước khi thí sinh làm thủ tục đăng ký dự thi, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường để các em đăng ký xét tuyển: mã số trường, mã số ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, tổ hợp xét tuyển, điểm nhận đăng ký xét tuyển, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển… Sau đó các trường nhập đầy đủ các thông tin về tuyển sinh của đơn vị lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trong thời hạn quy định. PV |
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Quang đề cập, việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng sẽ khiến các trường khó nắm chắc số lượng đăng ký vào trường mình, dẫn đến khó dự đoán độ “ảo”. “Việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến nhiều nguyện vọng (mà không chịu trách nhiệm về chi phí gì) thì có thể các em sẽ đăng ký tràn lan gây ra tình trạng “ảo” khó lường cho các trường ĐH”, ông Quang nhấn mạnh.
Còn theo TS. Trần Đình Lý, với việc không giới hạn số nguyện vọng, nghe qua sẽ thấy dự thảo đang hướng đến quyền lợi tối đa cho thí sinh. Nhưng điều này là không cần thiết. Thực tế các năm qua, nhiều thí sinh không sử dụng hết tối đa số nguyện vọng này.
Một điểm mới khác trong dự thảo quy chế được nhiều trường ĐH tán thành là để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ngay từ khi nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia. Bởi việc này tạo điều kiện cho các em có được thêm sự tư vấn, hướng nghiệp của giáo viên cũng như làm quen với công cụ đăng ký ngay từ lúc dự thi.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)