Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM hỗ trợ lớp học số cho nhiều trường tiểu học Lào Cai và huyện Côn Đảo

Tạp Chí Giáo Dục

Từ học kỳ 2 năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM hỗ trợ triển khai lớp học số môn tiếng Anh cho một số trường tiểu học tại tỉnh Lao Cai và huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).


Giáo viên TP.HCM đứng lớp lớp học số hỗ trợ môn tiếng Anh tiểu học tại tỉnh Lào Cai

Tiết học lớp học số tiếng Anh lớp 3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Sàn Chải, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) chiều ngày 9-4 diễn ra đầy hào hứng. Ở điểm cầu TP.HCM, cô Lê Quý Vân Đài – giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp) đứng lớp tại phòng ghi hình lớp học số Trung tâm DXCENTER, kết nối với học sinh tại tỉnh Lào Cai. Dù chỉ qua màn hình song tiết học diễn ra vô cùng sôi nổi, học sinh mạnh dạn giơ tay phát biểu, hào hứng tương tác với giáo viên. Bài học càng thêm thú vị khi liên tục có những trò chơi, video sinh động được giáo viên lồng vào suốt tiết dạy.

Đây chỉ là một trong nhiều tiết học của lớp học số hiện đang được TP.HCM triển khai hỗ trợ cho một số trường tiểu học tại tỉnh Lào Cai và huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sau giai đoạn thí điểm lớp học số môn tiếng Anh, tin học trong năm học 2022-2023 với 2 trường tiểu học tại TP.HCM là Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) và Tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), trong năm học 2023-2024, TP.HCM đã nhân rộng lớp học số ra nhiều môn khác như mỹ thuật, tin học, âm nhạc và tiếng Anh.

Đặc biệt, từ học kỳ 2 năm học 2023-2024, lớp học số của TP.HCM đã được kết nối hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh cho 1 số trường tiểu học tại tỉnh Lào Cai và trường ở huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

Cụ thể, các trường tiểu học tại tỉnh Lào Cai đang được TP.HCM hỗ trợ kết nối giảng dạy lớp học số môn tiếng Anh, bao gồm: Trường PTDT Bán trú Tiểu học số 1 xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai; Trường Tiểu học số 1 thị trấn Mường Khương; Trường Tiểu học xã Bản Lẩu, huyện Mường Khương; Trường tiểu học- THCS Tung Chung Phố, huyện Mường Khương. Việc giảng dạy tập trung ở khối lớp 3, 4, 5 tùy trường, với thời lượng tổng số tiết hiện tại là 3 tiết/tuần, tiến tới là 5 tiết/tuần.


Học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học số 1 xã Sán Chải, tỉnh Lào Cai hào hứng tham gia trong lớp học số

Riêng tại huyện Côn Đảo, lớp học số môn tiếng Anh đang được TP.HCM kết nối hỗ trợ với Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, với thời lượng 2 tiết/tuần ở 2 khối 4, 5. Các tiết dạy lớp học số sẽ tập trung hỗ trợ tiếng Anh giao tiếp cho học sinh. Giáo viên soạn riêng các hoạt động chú trọng vào nghe và nói. Ngoài ra, giáo viên TP.HCM sẽ chia sẻ thêm những hình thức tổ chức các hoạt động dạy học môn tiếng Anh…

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đội ngũ giáo viên đứng lớp lớp học số đều là giáo viên giỏi, giáo viên cốt cán của bộ môn, được tập huấn, bồi dưỡng về việc sử dụng công nghệ thông tin, tương tác trong lớp học số,

Lớp học đặc biệt của sự sẻ chia

Mỗi tuần 4 tiết vào các buổi chiều thứ 3, thứ 6, cô Lê Quý Vân Đài sẽ đứng lớp lớp học số, kết nối học sinh với Lào Cai và TP.HCM. Cô gọi đó là những tiết học của sự sẻ chia…

“Học sinh trường tiểu học ở tỉnh bạn do thiếu giáo viên nên các em có ít thời gian học tiếng Anh, ít được nói tiếng Anh, phát âm cũng có 1 số hạn chế do ảnh hưởng của tiếng địa phương. Từ đặc thù này cũng như nắm bắt tâm lý các em còn khá rụt rè, tôi cố gắng thiết kế tiết dạy với đa dạng trò chơi, thường xuyên động viên, khích lệ các em tham gia tương tác cùng cô trong tiết học. Buổi ban đầu các em còn hơi e dè, nhút nhát, giáo viên trợ giảng phải động viên các em nhưng đến nay các em đã tích cực tham gia vào các hoạt động cùng cô, mạnh dạn, thích thú khi nói tiếng Anh, các em học tích cực không khác gì với lớp học trực tiếp” – cô Vân Đài phấn khởi.


Phòng quay lớp học số tại Trung tâm Dxcenter

Gắn bó với dự án lớp học số từ năm đầu tiên triển khai thí điểm tại TP.HCM, cô Vân Đài bày tỏ, lớp học số mang nhiều ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho học sinh ở những địa phương khó khăn tiếp cận được với tiếng Anh. Đặc biệt, dự án càng thêm ý nghĩa khi chia sẻ, kết nối với các trường tiểu học ở tỉnh bạn còn gặp khó khăn.

“Với ý nghĩa nhân văn đó, bản thân tôi luôn muốn đồng hành cùng với lớp học số, cố gắng sắp xếp thời gian dạy trực tiếp trên trường, để tham gia lớp học số. Bởi, từ những bài học nhỏ mình mang lại nhưng có thể mang đến cho các em sự tiến bộ hơn, giúp các em có thêm điều kiện để tiếp cận với môn tiếng Anh”- cô Vân Đài chia sẻ.

Yến Hoa  

Bình luận (0)