Hội nhậpThế giới 24h

Cường quốc tầm trung và cách tiếp cận đối ngoại mới

Tạp Chí Giáo Dục

Các cường quốc tầm trung truyền thống như Úc hay Nhật Bản đang tập trung vào cách tiếp cận thực dụng hơn để đạt lợi ích quốc gia thay vì cách tiếp cận mang tính chuẩn tắc lỗi thời.

Đó là phân tích của hai học giả Stephen Nagy và Jonathan Ping trong bài viết đăng trên website Viện Các vấn đề quốc tế Úc hôm 14.3. Ông Stephen Nagy là phó giáo sư tại Đại học Cơ đốc giáo quốc tế ở Tokyo (Nhật Bản), ông Jonathan Ping là phó giáo sư lĩnh vực kinh tế chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bond (Úc).

Theo bài viết, quyền lực tương đối và đang thay đổi của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) đã được thể hiện trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á của Viện Lowy (Úc), xếp hạng các bên theo sức mạnh thực chứng và tầm ảnh hưởng. Bảng xếp hạng năm 2023 cho thấy sự lặp lại đó là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phát triển toàn diện về sức mạnh và ngày càng khác xa với nhóm tầm trung.

Cường quốc tầm trung và cách tiếp cận đối ngoại mới - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Bali, Indonesia hồi tháng 11.2022. REUTERS

Các thế lực tầm trung gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Nga, Đài Loan và một số khác. Canada, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil đều có thể được xếp vào nhóm này nếu Viện Lowy tổng hợp dữ liệu của họ.

Trong số các thế lực tầm trung này, nhiều bên được coi là những đồng minh cùng chí hướng trong khi số khác bị coi là chuyên chế. Một số đang liên quan xung đột như Nga, trong khi số khác như Iran bị cáo buộc gây bất ổn trong khu vực trong công cuộc tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó cũng có một số nước được miêu tả là những nền dân chủ bị suy giảm, như Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Brazil.

Việc sử dụng những cách tiếp cận thực chứng để xác định đâu là cường quốc tầm trung không nói lên nhiều điều về mặt ngoại giao, hành vi và các giá trị của họ. Tuy nhiên, cách đó rất cần thiết để tìm ra những nước cần nghiên cứu. Các cách tiếp cận định lượng và định tính đối với quyền lực cho thấy cả năng lực tiềm ẩn và đã thể hiện ra đều có thể được sử dụng để đạt được một số mục tiêu ngoại giao bền vững. Nó cũng gợi ý rằng các bảng xếp hạng đánh giá quyền lực đối với các cường quốc tầm trung dẫn đến một nhóm các quốc gia khác biệt nhau, hơn là trùng lặp trong các lĩnh vực ngoại giao, hành vi và giá trị.

Thực tế này cho thấy rằng các liên minh cường quốc tầm trung, chẳng hạn như nhóm MIKTA (Mexico, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc), là những mối quan hệ đối tác lỏng lẻo với ít điểm chung, ngoại trừ việc họ tự nhận mình có năng lực kém hơn Mỹ và Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho hoạt động ngoại giao bền vững và có ý nghĩa vì những khác biệt cố hữu – chẳng hạn như giữa Hàn Quốc và Úc – đồng nghĩa các mối quan hệ đối tác giữa họ khó thành công.

Các công cụ định lượng và định tính để đo lường sự tương đồng trong chính sách ngoại giao của cường quốc tầm trung ngày nay là minh chứng cho thấy thời kỳ hoàng kim của chính sách ngoại giao chuẩn tắc của cường quốc tầm trung đang lâm nguy, thậm chí có thể đã chết. Do đó, việc mô tả "hành vi" của các cường quốc tầm trung bằng các quy tắc như mong muốn các giải pháp đa phương, thỏa hiệp và phấn đấu trở thành những công dân tốt của quốc tế hiện nay là không chính xác.

Vậy các cường quốc tầm trung đang biến chuyển như thế nào? Úc và Nhật Bản là những ví dụ đương thời. Họ đang tập trung vào các sáng kiến thực tế, khu vực và dựa trên chủ nghĩa hiện thực, theo đó đang chuyển thành các sáng kiến ngoại giao có ý nghĩa và bền vững, nhằm cố gắng bảo đảm lợi ích quốc gia của họ. Những sáng kiến đó bao gồm Đối thoại tứ giác an ninh (Quad – Ấn Độ, Mỹ, Nhật, Úc), thỏa thuận AUKUS (Anh, Mỹ, Úc), Khuôn khổ Kinh tế Indo-Pacific (IPEF) và các sáng kiến kết nối và cơ sở hạ tầng ba bên.

Mặc dù không xa lánh chủ nghĩa đa phương trên diện rộng, hai nước này đều đã nghiêng về các nhóm hợp tác đa phương quy mô nhỏ hơn trong các lĩnh vực an ninh, công nghệ, thương mại và kinh tế. Lôgíc đơn giản là để đạt được lợi ích quốc gia của họ, các mô hình hợp tác có quy mô trung bình và cùng chí hướng sẽ hiệu quả hơn các tổ chức đa phương có chủ đích lớn hơn.

Điều này đặc biệt đúng khi các quốc gia chuyên chế nhắm đến việc làm suy yếu một cách có chọn lọc các thể chế, chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cơ chế ra quyết định đa phương liên quan.

Các nước như Úc và Nhật Bản cũng nhận ra rằng chính sách ngoại giao của cường quốc tầm trung dựa trên các giá trị (thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và các vấn đề tiến bộ) không gây được sự cộng hưởng với nhiều quốc gia hoặc tổ chức chính trị trong khu vực. Việc đó cũng không góp phần hình thành các mối quan hệ nước lớn có lợi hơn cho họ. Thật vậy, sự cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc đã xảy ra.

Trong lĩnh vực thương mại, Úc và Nhật Bản đang theo đuổi cách tiếp cận đa chiều. Trong khi tiếp tục ủng hộ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cải cách, hai nước cũng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cả Canberra và Tokyo đều nhận ra rằng WTO đang rất cần được cải tổ nhưng đồng thời, họ coi các hiệp định thương mại nhỏ hơn là công cụ hữu ích. RCEP hoạt động như công cụ để đưa Trung Quốc vào một hiệp định thương mại lấy ASEAN làm trung tâm. Trong trường hợp của CPTPP, hiệp định đặt Úc và Nhật Bản đi đầu trong việc định hình các quy tắc thương mại của thế kỷ 21, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, luật lao động và môi trường, đồng thời hạn chế vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và ảnh hưởng của họ đối với thương mại. Trong khi làm việc với những nước khác, Úc và Nhật Bản cũng có thể kiểm soát bên nào sẽ tham gia hiệp định thương mại tiên phong này, như Hàn Quốc, Anh, Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều đã biểu lộ ý định.

Cường quốc tầm trung và cách tiếp cận đối ngoại mới - Ảnh 2.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị Quad ở Tokyo hồi tháng 5.2022. REUTERS

Tương tự như vậy, Quad và AUKUS kết nối Tokyo và Canberra trong những mối quan hệ đối tác hiệu quả. Những sự hợp tác này sẽ cung cấp hàng hóa công cộng và an ninh cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (trong trường hợp của Quad), và giúp định hình nền kinh tế-công nghệ và mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Ví dụ, AUKUS đang mở rộng không gian hợp tác thông qua nghiên cứu chung về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ bội siêu thanh.

Chính trị thời nay trói buộc các cường quốc tầm trung bằng những định nghĩa và kỳ vọng về hành vi của họ. Giai đoạn hậu Thế chiến 2, với số lượng các quốc gia tầm trung ngày càng tăng, đã khuyến khích các học giả và các nhà thực thi chính sách của Úc và Canada tìm cách làm cho quốc gia của họ nổi bật hơn các quốc gia khác. Cách tiếp cận hành vi chuẩn mực, ra đời vào những năm 1990, không giống như cách tiếp cận hiện tại của chúng ta, nơi Úc và Nhật Bản (và tất cả các cường quốc tầm trung nói chung) thấy mình phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa các cường quốc, quyền lực tương đối giảm sút và sự mất an ninh gia tăng. Tất cả các cường quốc tầm trung ngày nay có thể sử dụng nhiều hơn các giải pháp đa phương. Họ không cần phải chấp nhận thỏa hiệp trong các tranh chấp quốc tế và không bắt buộc phải là công dân quốc tế tốt. Điều này cho phép nhiều chính sách đa dạng hơn được thiết kế để đạt được kết quả, thay vì tuân theo một quy định chuẩn tắc đã lỗi thời.

Bài học cho các cường quốc tầm trung của thế kỷ 21 dưới cái bóng của sự cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc là chính sách ngoại giao của họ sẽ cần phải thực dụng, thực tế và tập trung vào khu vực. Nó có thể bao gồm các cách tiếp cận ngoại giao như vận động hành lang, cách ly và xây dựng quy tắc trong các lĩnh vực an ninh, thương mại và luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ trước cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.

Chắc chắn đây sẽ là một thách thức đối với Canada, các nước Scandinavia và các cường quốc tầm trung khác vốn đã kết hợp chính sách ngoại giao của họ với các cách tiếp cận chuẩn tắc truyền thống. Mặc dù vậy, để các cường quốc tầm trung phát triển và hiện thực hóa lợi ích quốc gia của họ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hơn thế nữa, Tokyo và Canberra cung cấp những ví dụ hữu ích về cách tận dụng các nguồn lực hạn chế theo những cách thiết thực và thực dụng để đảm bảo họ không bị ảnh hưởng xấu bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Vi Trân/TNO

 

Bình luận (0)