Sau hơn 2 năm gánh nỗi đau đất lở do bão lớn, gần 40 hộ dân Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã định cư trên khu dân cư mới Bằng La. Một cuộc sống mới dẫu còn khó khăn nhưng đã chớm nhiều hy vọng, trước thềm xuân năm mới…
Khu dân cư Bằng La với những ngôi nhà mới bình yên
Nụ cười trở lại
Đường đến Bằng La sau hai năm lập khu tái định cư làm nơi ở cho các hộ dân bị sạt lở trong cơn bão số 9 năm 2020 ở Trà Leng bây giờ không còn cảnh lội bùn vất vả. Mùa xuân mới điểm tô trên những cánh hoa đào như xoa dịu nỗi đau, lành lại sẹo những vết thương sâu. Trong căn nhà ấm cúng, chàng thanh niên Hồ Văn Trí đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm để 4 anh em cùng quây quần đón Tết. “Thường các em đi học xa nhà. Tết là lúc 4 anh em đoàn tụ trong những bữa cơm gia đình. Nỗi buồn đã tạm lắng xuống và em tin cha mẹ đều chung vui cùng các anh em trong những bữa cơm sum vầy như thế này”, Trí bộc bạch.
Nỗi đau ập xuống gia đình Trí khi cả cha lẫn mẹ qua đời sau vụ sạt lở đất, vùi lấp nhà cửa. Nhìn anh em Trí co ro trong manh áo mỏng, ôm lấy nhau giữa trời mưa sụt sùi, nhiều người không dám nghĩ đến ngày mai. Những cái nắm tay và sự động viên kịp thời của chính quyền, các mạnh thường quân đã giúp những đứa trẻ vực dậy tinh thần. Trí bảo, trong khó khăn các anh em thường động viên nhau đến trường. Bởi chỉ có con chữ mới thay đổi được tương lai. Hồ Thị Điệp, em kế Trí đã nối bước anh vào giảng đường đại học. “Em muốn trở lại Trà Leng để làm việc, chung sức cùng bản làng vượt qua khó khăn”, Điệp nói.
Gặp tôi trên con đường bê tông phẳng lỳ qua khu dân cư Bằng La, ông Hồ Văn Đề chỉ tay vào chậu hoa cúc vàng, bảo: “Mùa xuân đã trở lại. Hẳn nhiên còn đó nhiều nỗi đau không dễ gì quên được nhưng tôi cùng bà con đã cố gắng, nỗ lực suốt thời gian qua để ổn định cuộc sống. Rồi ngày mai sẽ khác”. Nụ cười đã trở lại trên gương mặt người đàn ông ngoài 70 tuổi, từng chịu nỗi đau mất đến 8 người thân trong vụ sạt lở. “Hai năm nay tôi được đón Tết trong nhà mới rồi. Ở đây đất đai bằng phẳng, nhà cửa vững chãi, những đêm mưa lớn không còn phải thao thức với nỗi lo đất lở”, ông Đề bộc bạch.
Nỗi đau qua đi, mùa xuân về bên hiên nhà ông Hồ Văn Đề
Còn nhớ những ngày đầu vừa mất cả vợ lẫn con gái, anh Hồ Văn Đồng dường như không đứng vững, đôi mắt thất thần. Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng phải nén xuống khi anh nhìn vào đôi mắt ngơ ngác của các con. Niềm vui của anh từ đó là nụ cười của các con sau mỗi buổi đến trường trở về, cất tiếng gọi “Bố ơi, con đói”.
Khu dân cư Bằng La có 39 hộ dân với gần 140 nhân khẩu đã được hỗ trợ xây dựng nhà mới. Thời gian giúp cho những mầm cây bắt đầu lên xanh, điểm trang cho bản làng. Vào mùa xuân những cơn gió nhẹ lay khẽ cành hoa, thật yên bình. Nỗi buồn dường như đã nhường chỗ cho những nụ cười, trên dọc con đường làng chúng tôi gặp bà con ngang qua.
Phát triển cây quế chủ lực
Cùng với việc xây dựng khu tái định cư cho bà con vùng sạt lở Trà Leng, phương án hồi sinh cây quế để bà con phát triển kinh tế cũng được chú trọng. Cây quế là một trong những nguồn sống chính của người dân, hơn thế là cách để giữ đất, giữ rừng qua bao đận thiên tai, bão lũ. Quế Trà Leng còn được gọi là “cao sơn ngọc quế” của xứ Quảng bởi độ thơm của tinh dầu.
Nụ cười của các em thơ ở Trà Leng
Trà Leng giữa tiết xuân se lạnh, tôi bắt gặp những nụ cười và nhiều ánh mắt hy vọng trên đường làng. Những mất mát đã đến và rồi sẽ qua. Mùa xuân mang hơi ấm và niềm tin trở lại, sẽ ở lại với Trà Leng! |
Anh Hồ Văn Tiên – một người dân trồng quế ở khu dân cư Bằng La chia sẻ: “Nhà tôi có một mảnh đất rẫy rộng khoảng hơn 2 sào. Tất cả tôi dành trồng quế. Với trị giá khoảng 70 ngàn đồng/kg vỏ quế, mỗi đợt thu tôi cũng bán được gần 15 triệu đồng. Số tiền ấy dành mua thực phẩm và cho con cái ăn học. Kể ra cũng bớt được nỗi lo lớn vì khí hậu ở Trà Leng khá khắc nghiệt, khó bề phát triển kinh tế từ cây trồng, vật nuôi khác”.
Còn với anh Hồ Văn Thanh (40 tuổi), cây quế mang lại thu nhập chính cho gia đình. Mỗi năm quế cho thu hoạch 2 vụ và độ tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Phương án trồng quế gối vụ để cho thu hoạch đều được anh Thanh chọn lựa. “Tôi rất vui vì cây quế mang lại nguồn sống ổn định cho gia đình. Bây giờ có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có thể vượt qua khó khăn của 2 năm về trước. Vậy mà tôi cùng bà con đã làm được, cây quế góp một phần động lực trong đó”, anh Thanh hồ hởi nói.
Chia sẻ về sự hồi sinh ở Trà Leng, ông Phan Quốc Cường – Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và các mạnh thường quân, đời sống của bà con ở khu dân cư Bằng La nay đã có phần khởi sắc. Bà con đã không ngừng nỗ lực để thích nghi với cuộc sống trên vùng đất mới, nỗ lực phát triển kinh tế để thoát nghèo. Dù còn đó nhiều khó khăn nhưng bà con đã không đầu hàng trước nó, họ hướng về tương lai bằng những cách làm, phương án phát triển kinh tế cụ thể, như chính bản năng sinh tồn của bao thế hệ người M’Nông ở Trà Leng. Hiện khu dân cư Bằng La có 11 hộ đăng ký thoát nghèo. Không có hộ thiếu đói. 28 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. “Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con các giống cây trồng, vật nuôi, tiếp cận kỹ thuật và nguồn vốn phát triển kinh tế. Đề xuất đầu tư thêm cơ sở hạ tầng trường lớp để con em Bằng La được đến trường học tập đầy đủ…”, ông Cường chia sẻ.
Hàn Giang
Bình luận (0)