Nhạc xuân là phong vị không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Trong đó có những ca khúc xuân gắn liền với những ký ức không quên của các nhạc sĩ nổi tiếng…
Ca sĩ Phạm Thanh Thảo đang trình bày ca khúc Điệp khúc mùa xuân
Những ca khúc có tuổi đời trên 40 năm
Họ là những nhạc sĩ có tên tuổi, có nhiều ca khúc được khán giả rất yêu mến. Đặc biệt, mỗi độ xuân về, các ca khúc về mùa xuân của họ sáng tác lại vang vọng khắp nơi nơi…
Nhạc sĩ Bảo Thu nổi tiếng với nhiều ca khúc được khán giả yêu thích như: Giọng ca dĩ vãng, Đừng hỏi vì sao tôi buồn, Thương ca mùa hạ, Nếu xuân này vắng anh, Ước vọng tương phùng… Ca khúc Nếu xuân này vắng anh được nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác vào cuối năm 1967. Đó là thời điểm ông nhận đặt hàng từ Hãng đĩa Việt Nam để sáng tác một ca khúc về mùa xuân. Ông kể, do thời gian quá gấp nên khi viết xong ông chỉ kịp trau truốt lại phần giai điệu và mời ca sĩ trẻ Trúc Ly thể hiện. Điều bất ngờ là bài hát đã được công chúng đón nhận, đồng thời bài hát cũng giúp cho tên tuổi của Trúc Ly được biết tới. Nếu xuân này vắng anh sau đó cũng đoạt giải thưởng “Ca khúc viết về mùa xuân hay nhất” năm 1968 do khán giả bình chọn.
Một điều khá thú vị là ca khúc này được nhạc sĩ Bảo Thu sáng tác dành tặng cho một giai nhân tên Phương Anh. Với những lời hát da diết như: “Xuân đã về anh có hay/ Hoa bướm vui mùa sum vầy/ Nơi phương trời anh có nhớ/ Một người luôn nhắc tên anh/ Và mơ duyên lứa đôi…”.
Đến thời điểm này, có rất nhiều giọng ca nữ đã thể hiện Nếu xuân này vắng anh như Hương Lan, Như Quỳnh, Minh Tuyết, Cẩm Ly… Mới đây, ca khúc này được vợ cố nghệ sĩ Chí Tài, ca sĩ Phương Loan trình bày gây cơn sốt trên mạng xã hội.
Vợ cố nghệ sĩ Chí Tài, ca sĩ Phương Loan với ca khúc Nếu xuân này vắng anh
Năm Bính Thìn 1976, cố nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc Mùa xuân đầu tiên mừng đất nước thống nhất. Sau đó, ca khúc được thu âm, phát sóng phổ biến rộng rãi. Đến nay, mọi người vẫn cho đây là một trong những ca khúc không thể thiếu vào mỗi độ xuân về. Ca sĩ Ánh Tuyết, người thể hiện rất thành công ca khúc này kể rằng: “Năm 1976, trời Hà Nội đã sang tiết xuân, nắng nhẹ và se lạnh, nhạc sĩ Văn Cao ngồi bên cây đàn trong căn nhà nhỏ phố Yết Kiêu. Đôi tay gầy lướt trên phím đàn một cách say sưa đến nỗi người con của ông là Văn Thao phải ngạc nhiên hỏi mới biết bố mình vừa sáng tác ca khúc mới nhất mang tên Mùa xuân đầu tiên”.
Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Thanh Sơn cũng từng cho biết, trong số rất nhiều ca khúc nhạc xuân như Bài xuân ca, Đoản xuân ca thì ông đặc biệt thích ca khúc Mùa hoa anh đào. Năm 1960, vợ chồng ông lên Đà Lạt chơi xuân vào mùa hoa anh đào nở. Nhiều người thường khen vợ ông có vẻ đẹp của một thiếu nữ Nhật Bản. Và gương mặt đó, cùng với sắc hoa anh đào hồng phai của xứ lạnh đã làm thành cảm hứng cho Mùa hoa anh đào mang âm hưởng âm nhạc Nhật Bản để ông tặng cho bà xã của mình.
Sáng tác nhạc để tặng cho vợ vốn rất giống một cô gái Nhật Bản, nên giai điệu của bài cũng mang đậm âm giai ngũ cung của nhạc Nhật. Mở đầu bài hát là đoạn nhạc mô phỏng tiếng đàn koto, và toàn bài hát nghe phảng phất giai điệu của bài Sakura (hoa anh đào) nổi tiếng của người Nhật. “Mùa xuân sang có hoa anh đào/ Màu hoa tôi trót yêu từ lâu/ Lòng bâng khuâng, nhớ ai năm nào/ Hẹn hò nhau dưới hoa anh đào mình nói chuyện ngày sau…”.
Nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tác
Nhạc sĩ Quốc Dũng đã sáng tác rất nhiều ca khúc về mùa xuân: Em đã thấy mùa xuân chưa, Xuân thương nhớ, Mùa xuân dịu êm, Xuân thanh bình, Hà Nội em và mùa xuân… Tuy nhiên, theo ông ca khúc mà mỗi độ xuân về được các ca sĩ chọn hát nhiều nhất là Điệp khúc mùa xuân và Bài ca Tết cho em.
Ngay khi ca khúc Bài ca Tết cho em xuất hiện qua tiếng hát ngọt ngào, tình tứ và da diết của danh ca Bảo Yến vào năm 1987 đã thu hút sự chú ý của khán giả. Bài ca Tết cho em nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích và được nhiều ca sĩ chọn thể hiện mỗi khi Tết đến xuân về… Đây còn là ca khúc gắn liền với mối tình lãng mạn của cặp đôi tài hoa nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến, được giới văn nghệ sĩ ngưỡng mộ.
Tiết lộ về mối tình với ông xã, ca sĩ Bảo Yến bồi hồi nhớ lại: “Anh Dũng từng viết riêng cho tôi ca khúc Bài ca Tết cho em. Trong đó, câu hát “Tết nay anh không thèm kẹo mứt, vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng” là do anh Dũng tưởng tượng ra. Chứ hồi đó tụi tôi mới quen nhau còn ngại ngùng với giữ kẽ lắm, làm gì có chuyện hôn nhau”.
Danh ca Bảo Yến trình bày ca khúc Bài ca Tết cho em
Nhạc sĩ Quốc Dũng khẳng định: “Mùa xuân là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ sáng tác. Vì thế, nhạc xuân rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, người sáng tác cũng nên thổi vào nhạc xuân hôm nay hơi thở của thời đại mới, của nhịp sống xã hội, cộng đồng đang ngày một phát triển sinh động hơn, an khang hơn…”.
Một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Bảo Chấn là Hoa cỏ mùa xuân, được khán giả biết đến như bài hát quốc dân vào mỗi dịp xuân về nhưng ít ai tìm hiểu về ý nghĩa sâu xa của ca khúc này. Bài hát được ông viết cho con gái của mình khi con 15 tuổi. Ông không chỉ là nhạc sĩ có tầm nhìn về việc “bắt trend” cho các sáng tác của mình, mà ông còn quan sát sự trưởng thành của con gái qua từng giai đoạn của cuộc đời. Trong cái tuổi biết yêu, biết giận, biết hờn, đôi lúc có thành công, có tan vỡ và ông đã tặng món quà này để con gái ông lưu giữ khoảnh khắc đẹp cũng như vốn sống cho cuộc đời.
Nhạc sĩ Trường Huy sáng tác ca khúc Giọt sương mùa xuân vào ngày 28 Tết năm 1998, lúc ấy anh đang tập thể dục trong một công viên, chợt nhìn thấy những người bán hoa mai trên đường, những giọt sương long lanh đọng trên những cành mai đã tạo cho anh nhiều cảm hứng để viết. Ca khúc Tình em mùa xuân của anh do ca sĩ Lam Trường trình bày rất thành công được sáng tác vào năm 2001. “Lúc đó, tôi đang đi chợ hoa xuân Nguyễn Huệ. Chính không khí này làm cho con người cảm thấy yêu nhau hơn, hạnh phúc hơn khi ở bên nhau: “Chiều mùa xuân, ngàn tia ấm cho lứa đôi yêu dài lâu suốt đời…”. Đối với tôi, mỗi ca khúc viết về mùa xuân là mỗi cảm xúc khác nhau. Khi có cảm xúc về đề tài mùa xuân là tôi nắm bắt ngay” – nhạc sĩ Trường Huy cho biết!
Anh Khôi
Bình luận (0)