Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cuối năm, cảnh giác với cướp tiệm vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, tại một số địa phương liên tục xảy ra cướp tiệm vàng với hành động táo tợn, sử dụng hàng nóng khiến dư luận hết sức hoang mang. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, nguyên nhân để xảy ra cướp một phần  là do người kinh doanh vàng mất cảnh giác, chủ quan trong phòng ngừa.

Người kinh doanh vàng phải luôn đề cao cảnh giác phòng nguy cơ xảy ra cướp (ảnh minh họa). Ảnh: T.Anh

Vụ nổ súng cướp tiệm vàng Kim Phụng (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) mới đây cho thấy đối tượng liều lĩnh, manh động và đã điều nghiên từ trước. Theo đó, 4 đối tượng bịt khẩu trang, hai tên ngồi đợi trên xe máy, hai tên còn lại tiến thẳng vào tiệm nổ súng dọa rồi gom vàng tẩu thoát.

Trước đó, lúc 17 giờ ngày 6-12, tại phòng giao dịch BIDV Thành Nội (TP.Huế) cũng đã xảy ra vụ nổ súng cướp táo tợn gây bàng hoàng trong người dân. Lần theo dấu vết là một chiếc xe máy, mũ bảo hiểm và đôi giày tại chợ Đông Ba, công an đã bắt được hung thủ khi y đang lẩn trốn tại Đà Nẵng. Tại cơ quan điều tra, nghi can khai là Nguyễn Hoàng Tâm (SN 1987, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Nông). Do thiếu tiền tiêu xài nên đã lên phương án cướp ngân hàng.

Ông Nguyễn Hùng Hải, người có thâm niên kinh doanh vàng bạc tại TP.HCM hơn 30 năm cho biết, thông thường các vụ cướp tiệm vàng thường xảy ra vào buổi sáng (lúc mở cửa hàng) và buổi tối (thời điểm gom vàng, đóng cửa). Việc cướp thực hiện trong thời điểm giao dịch là rất hiếm, bởi đông người khó mà thoát thân.

Dù cảnh giác cao độ nhưng ông Hải không khỏi lo lắng: “Cướp ngày càng táo tợn, vào tiệm với tư cách một khách hàng, hoàn toàn bình tĩnh, lịch thiệp. Đây là lý do khiến bảo vệ, người kinh doanh hoàn toàn mất cảnh giác và chỉ vài giây sơ hở là có thể bị kề dao, gí súng vào người”.

Ghi nhận của chúng tôi tại các tiệm chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý tại chợ An Đông, lực lượng bảo vệ dày đặc, không chỉ đảm bảo an ninh trong và ngoài cửa tiệm, họ còn là những nhân viên tư vấn, bán hàng với mục đích bám sát đối tượng khả nghi. Tại chợ Bà Chiểu, bảo vệ luôn trong tư thế đứng sẵn sàng, bảo vệ tuyệt đối khách hàng đến giao dịch. “Khi phát hiện đối tượng khả nghi, chúng tôi báo ngay cho công an, nhờ đó mà kịp thời ngăn chặn nhiều vụ cướp số tiền, vàng khá lớn”, anh Trần Nguyễn Đại, bảo vệ một tiệm vàng tại chợ Bà Chiểu nói.

Người kinh doanh vàng tại TP.HCM hiện rất lo lắng đối tượng trộm cướp có sử dụng ma túy, chất kích thích gây ảo giác. “Không chỉ mất của mà mất cả mạng, không chỉ một mà nhiều người”, chủ một tiệm vàng tại chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) lo ngại.

Bà Ngô Thị Trinh (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè), đại diện chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý tại Q.8 tỏ ra lo ngại khi đối tượng trộm cướp dạt về địa bàn vùng ven để ẩn náu, điều nghiên. Trong khi đó, Công an huyện Nhà Bè cho rằng, đối tượng thường di chuyển từ khách sạn này sang khách sạn kia khác địa bàn để tránh sự theo dõi của cơ quan công an.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, ngoài công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là nạn trộm cướp, vai trò của người dân, người kinh doanh vàng cũng rất quan trọng. Những vụ giàn cảnh cướp tiệm vàng không mới nhưng một số nơi vẫn bị dính bẫy. Theo đó, cướp đến tiệm vàng đặt mua và yêu cầu giao tại khách sạn hoặc nhà riêng. Khi nhân viên cửa hàng mang đến thì tấn công cướp vàng. Bên cạnh việc lắp đặt camera, thiết bị chống và báo trộm hiện đại, trang bị tủ vàng bằng kính cường lực, kết nối tin báo với cơ quan công an gần nhất khi có sự cố… thì ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động nguy cơ xảy ra trộm cướp và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân là trên hết.

Không chỉ ở tiệm vàng mà tại các điểm giao dịch ngân hàng, quầy rút tiền tự động là những địa chỉ mà cướp nhắm đến. Ông Phong cũng khuyến cáo người dân nên chọn những quầy ATM nằm trong khuôn viên ngân hàng hoặc tại các tòa nhà, chung cư đông người để giao dịch. An toàn hơn, người dân hạn chế rút tiền một mình vào buổi tối.

T.Anh

Bình luận (0)