Trong không khí chào mừng 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2019, Công đoàn Giáo dục TP.HCM đã khai mạc các hội thi trong Tháng nhớ ơn thầy cô với chủ đề “Nét đẹp phấn trắng”, thu hút hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học tham gia.
Bà Nguyễn Thị Gái (Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP) và Ban Thường vụ tham quan mô hình tiểu cảnh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi
Thông điệp bảo vệ môi trường học đường
Khởi đầu Tháng nhớ ơn thầy cô là Hội thi trang trí tiểu cảnh với chủ đề “Mái trường xanh” tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Theo đó, 24 đội thi (5 người/đội) đã thiết kế tiểu cảnh tái hiện ngôi trường của đơn vị mình bằng hình ảnh 3D dọc theo hai bên đường từ cổng Lạc Long Quân vào đến khu vực ốc đảo. Với kích cỡ 3x2m, mô hình tiểu cảnh là những hình ảnh nên thơ với kệ sách, ghế đá, giỏ hoa, và những hàng cây xanh rợp bóng mát. Là người lên ý tưởng thiết kế mô hình, thầy Trần Thanh Phong (giáo viên môn thể dục, Trường THPT Nguyễn Tất Thành) đã chọn phông chính là góc hành lang có hàng phượng vĩ xanh ngắt. Đây là loại cây xanh có nhiều nhất trong sân trường với gần 20 cây lâu năm, nên đương nhiên loài hoa mùa hạ đã được ưu tiên số 1 trong mô hình tiểu cảnh. Ngoài ra còn có những chậu hoa kiểng (trầu bà, bồn cau, cây phát tài…) làm chi tiết phụ họa cho mô hình sách giáo khoa các môn học căn bản của 3 khối lớp được trưng bày ngay trong sảnh chính. Theo thầy Phong: “Mô hình sách giáo khoa được thiết kế theo hình đôi bàn tay với ngụ ý là nguồn tri thức thầy cô truyền tải cho học trò. Và mảng xanh trong sân trường cũng rất quan trọng và cần được tôn tạo nhằm tạo không gian tươi mát, trong lành để thầy trò thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng”.
Hội thi Đua thuyền rồng thu hút 103 đội tham gia với không khí sôi nổi
Cũng hướng đến thông điệp bảo vệ môi trường, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi (huyện Hóc Môn) đã góp mặt bằng tiểu cảnh “Khu vườn đọc sách” hấp dẫn và đẹp mắt. Đó là hình ảnh các em học sinh đang đọc sách trong vườn trường trên nền thảm cỏ nhân tạo xanh mượt. Bên cạnh là bức tranh có dòng suối mát, vài chú nai và hươu gặm cỏ hiền lành. Theo nhận định của ông Lưu Thiên Đức (Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục TP), tiểu cảnh “Khu vườn đọc sách” vừa có tính thẩm mỹ, vừa mang ý nghĩa bảo vệ môi trường bởi sáng kiến tận dụng vật liệu tái chế, “biến” chai nước suối thành giỏ hoa lan tim (dạng treo), thùng sơn nước được sơn phết tạo thành ghế ngồi và bình trồng hoa, vỏ xe ô tô trở thành bồn trồng cây bonsai, ống tre thành giá treo đựng sách vở… Được biết, mô hình tiểu cảnh tiếp tục được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan thưởng lãm của đội ngũ nhà giáo và du khách (từ ngày 3-11 đến hết ngày 24-11-2019). Đặc biệt, ban tổ chức cũng khuyến khích các thầy cô giáo chụp lại mô hình tiểu cảnh để tham gia Cuộc thi ảnh đẹp với nhiều giải thưởng hấp dẫn, trị giá cao nhất lên đến 2 triệu đồng/giải.
Thi hát hay, đua chèo giỏi
Một ngày sau khi khai mạc hội thi trang trí tiểu cảnh, Hội thi thời trang “Nét đẹp học đường” và Hội thi “Tiếng hát Cán bộ quản lý – Cán bộ Công đoàn” cũng được tiếp nối với 119 đơn vị tham gia, dự thi trong 4 ngày (3-11, 9-11, 10-11 và 16-11). Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP Nguyễn Thị Gái cho biết, mặc dù thời gian đăng ký khá ngắn, nhưng ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 1.000 thí sinh (thuộc 24 đơn vị) đến với Hội thi “Nét đẹp học đường”, và 61 đơn vị dự thi Hội thi “Tiếng hát Cán bộ quản lý – Cán bộ Công đoàn” với 90 tiết mục, gồm bảng A (thí sinh là cán bộ quản lý) và bảng B (thí sinh là cán bộ công đoàn). Đến với hội thi lần này, các đơn vị đã đầu tư nhiều tiết mục công phu, từ phần dựng bè, múa minh họa và trang bị đạo cụ phong phú. Theo nhận định ban đầu của ban giám khảo, các đơn vị đã trình bày khá tốt những bài hát về Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước, hát về ngành giáo dục và người giáo viên nhân dân. Là một trong số những đơn vị có sự đầu tư công phu, đội thi của Trường THPT Thạnh Lộc đã làm nóng sân khấu hội thi với liên khúc “Dậy mà đi” và “Giai điệu Tổ quốc”. Có thể nói, bằng chất giọng mạnh mẽ, đầy nội lực, thầy Phan Tấn Nhật cùng nhóm múa minh họa đã làm nên âm hưởng hào hùng về sự kiên cường của các thế hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Liên khúc “Dậy mà đi” và “Giai điệu Tổ quốc” của đội thi Trường THPT Thạnh Lộc
Bà Nguyễn Thị Gái (Chủ tịch Công đoàn Giáo dục TP) khẳng định: “Hội thi là dịp để các đơn vị trong ngành giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; phát huy tinh thần đoàn kết và sáng tạo; thể hiện năng khiếu âm nhạc, khả năng biểu diễn nghệ thuật, năng khiếu ẩm thực và thẩm mỹ làm phong phú đời sống tinh thần của nhà giáo. Qua đó nhằm tôn vinh, đề cao vị thế của nhà giáo, của nghề dạy học trong xã hội, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống “Tôn sư trọng đạo”cho các em học sinh, sinh viên. |
Hội thi Đua thuyền rồng cũng sôi động không kém các hội thi khác với 103 đội tham gia (7 vận động viên/đội). Khi các đội nỗ lực tay chèo cũng là lúc các em học sinh ùa theo đường đua để cổ vũ cho thầy cô giáo mình. Sau những lượt thi gay cấn, các đội mạnh thuộc các trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chuyên Lê Hồng Phong, Tân Túc, Ngô Gia Tự… đã vượt lên đạt hạng nhất hoặc nhì ở cự ly 200m và dành được những tấm vé vào vòng trong. Bên cạnh các cuộc thi hấp dẫn trên, Hội thi “Nhà giáo với ẩm thực 3 miền” dự kiến tổ chức vào ngày 17-11 tại Công viên văn hóa Đầm Sen là sự kiện lớn đang được các thầy cô giáo và học sinh mong chờ. Tham gia hội thi này, các đội sẽ tự chọn và chuẩn bị trước 2 món ăn (1 món ngọt và 1 món mặn) với số lượng ít nhất 100 phần/món. Đặc biệt, các món ăn đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu gồm động thực vật, rau, củ quả trong nước. Dịp quy tụ đông vui này mỗi năm với hình thức bán hàng giao lưu giữa các đơn vị còn mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi nguồn thu được góp vào quỹ học bổng Nguyễn Đức Cảnh cấp ngành, nhằm hỗ trợ con em cán bộ, giáo viên và nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, nhằm động viên, khuyến khích các em học tập ngày càng tốt hơn.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)