Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chàng trai khuyết tật trở thành tỉ phú nhờ ươm cây giống

Tạp Chí Giáo Dục

Với 2 tấm bằng ĐH và một bằng thạc sĩ chuyên ngành Khoa học cây trồng, chàng trai khuyết tật Trần Kim Việt đã từ chối nhiều lời mời làm việc ở cơ quan nhà nước, để trở về quê, khởi nghiệp bằng nghề ươm cây giống.
Trước đây, anh Trần Kim Việt (26 tuổi, ngụ tại xóm 5, xã Hương Giang, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) được nhiều người biết đến vì là một sinh viên khuyết tật của Trường ĐH Vinh (Nghệ An) chuyên “trồng cây chuối” leo cầu thang lên giảng đường. Giờ đây Việt lại được biết đến vì trở thành ông chủ vườn ươm các loại cây giống lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh.
Anh Việt chăm sóc vườn ươm cây giống của mình ///  ẢNH: PHẠM ĐỨC
Anh Việt chăm sóc vườn ươm cây giống của mình ẢNH: PHẠM ĐỨC

Tuổi thơ nhọc nhằn
Chúng tôi tìm đến gia đình Việt giữa cái gió se se lạnh của một sáng mùa đông. Lê từng bước chân khó nhọc, anh dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm rộng 5.000 m2 với đầy đủ các chủng loại cây giống, từ cây ăn quả đến cây lâm nghiệp, cây dược liệu…

Đôi tay thoăn thoắt cắt tỉa bớt cành trên cây trầm hương (cây dó trầm) 2 tháng tuổi, Việt cho biết đây chính là cây “xóa nghèo” của gia đình anh. Khoát một vòng tay quanh khu vườn, anh cho biết trước kia toàn bộ khu vực này là vườn hoang, để cải tạo được khu vườn này, anh đã tốn rất nhiều công sức mà nếu không có niềm đam mê với cây giống, chắc khó làm nổi.

 
 
Ngày 27.11, anh Trần Kim Việt vinh dự là 1 trong 85 thanh niên nông thôn tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016 của T.Ư Đoàn. Dịp này, anh Việt còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen với thành tích sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp xây dựng nông thôn mới.
 
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở huyện miền núi Hương Khê, bố bị di chứng chất độc da cam, mẹ bị hở van tim độ 3, khi sinh ra Việt thua thiệt bạn bè với chân trái bị teo cơ, mềm nhũn; chân phải không bình thường (chân phải dài hơn chân trái 5 cm), bàn chân dị dạng.
Năm lên 6 tuổi, trong khi các bạn cùng trang lứa cắp sách tới trường thì cậu bé Việt với đôi chân “so le” vẫn một mình lặng lẽ lê lết tập những bước đi trong nhà. “Nhìn các bạn được tự do chạy nhảy và cắp sách tới trường mà tôi thèm lắm. Phải đến năm 8 tuổi, bố mẹ mới đồng ý cho tôi vào học lớp 1 cùng với em gái. Lúc đó, em gái tôi được bố mẹ giao trách nhiệm kèm cặp và đưa tôi đến trường”, anh Việt ứa nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng khó khăn.
Không lệ thuộc vào em gái, cậu bé Việt đã kiên trì tập đi xe đạp, để rồi sang năm lớp 3 một mình Việt đã có thể tự đạp xe đến trường. Chỉ tay vào những vết sẹo ở tay và chân, anh Việt cho biết đó là hậu quả do tai nạn khi tập đi xe đạp của mình. Nhờ nghị lực vượt khó, từ năm lớp 1 đến lớp 12, Việt khiến bạn bè phải và thầy cô giáo phải nể phục bởi kết quả học tập đứng tốp đầu của trường, đạt nhiều giải thưởng cấp huyện và cấp tỉnh. Khó khăn lớn nhất từ ngày đi học là những lần phải leo cầu thang. Mặc dù được bạn bè và thầy cô giáo tỏ ý muốn giúp đỡ nhưng anh đều từ chối.
“Tôi quan niệm bản thân “tàn nhưng không phế”. Muốn làm được việc lớn thì trước hết phải chiến thắng được bản thân. Để leo lên cầu thang, tôi phải “trồng cây chuối” đi bằng hai tay. Lúc đầu hai bàn tay mỏi nhừ, có lúc bị lộn ngược bầm tím hết cả người nhưng dần dà, tôi đã đi được bằng hai tay thành thạo”, anh Việt kể.
Kiếm tiền khi còn là sinh viên
Năm 2008, Việt thi đậu nguyện vọng 2 vào ngành Nông học, Khoa Nông – Lâm – Ngư nghiệp của ĐH Vinh. Thấy Việt đi lại khó khăn, trong khi ngành Nông học cần phải có sức khỏe và thường xuyên lăn lộn với đồng ruộng, nên các thầy cô giáo trong trường đã khuyên anh nên thi vào ngành Công nghệ thông tin. Nghe lời thầy cô, năm 2009, Việt tiếp tục đăng ký và thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của ĐH Vinh. Nhưng do quá đam mê với ngành Nông học, nên anh quyết định cùng lúc học 2 chuyên ngành.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ còn phải nuôi 3 em, nên từ khi vào giảng đường ĐH, anh Việt phải đi làm thêm để có tiền ăn học. “Hai năm đầu học ĐH, tôi đi làm gia sư và bán sách cho một cửa hàng trên địa bàn TP.Vinh. Sang năm thứ 3, do có kiến thức đang theo học ngành Công nghệ thông tin, tôi xin làm thêm cho một công ty tư vấn mua bán máy tính. Nguồn thu nhập cũng đủ trang trải cho việc học cả 2 chuyên ngành”, anh Việt chia sẻ.
Cơ duyên đưa anh Việt đến và gắn bó với nghề ươm cây giống bắt đầu từ năm thứ 2 ĐH, khi anh thực hiện thành công đề tài nghiên cứu gieo ươm cây trầm hương. “Để thực hiện đề tài này, tôi bắt xe về quê, nhờ bố mẹ qua các vườn trồng trầm hương lâu năm của người dân địa phương xin nhặt hạt. Sau đó, tôi mua bao bầu với số tiền vốn 500.000 đồng, tiến hành gieo hơn 1 vạn hạt trầm hương theo đúng các kỹ thuật đã được học. Cuối năm 2010, hơn 1 vạn cây trầm hương phát triển tốt, được người dân giành nhau mua trồng thử nghiệm, tiền bán cây thu được 27 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đầu tiên mà tôi kiếm được trong đời. Vui lắm”, anh Việt nói.
Tỉ phú từ ươm cây
Sang năm thứ 3 ĐH, anh tiếp tục nhân rộng mô hình ươm giống cây trầm hương từ số tiền bán cây đợt trước. Lần này, anh ươm 10 vạn cây và nhờ bố mẹ chăm sóc vì anh phải xa nhà học tập. 3 tháng sau, số tiền bán được từ cây trầm hương là 200 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp với 2 tấm bằng ĐH, anh Việt tiếp tục học lấy thêm bằng thạc sĩ Khoa học cây trồng vào năm 2014. Anh khiến nhiều người bất ngờ khi từ chối nhiều cơ hội vào làm trong các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Lý giải cho quyết định của mình, anh Việt nói: "Tôi tin rằng thành công từ 2 lần ươm giống cây trầm hương sẽ là khởi đầu rất hữu ích để tôi lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương".
Chàng trai khuyết tật trở thành tỉ phú nhờ ươm cây giống - ảnh 3

Nhờ ươm cây giống anh Việt có doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm ẢNH: PHẠM ĐỨC

Mặc dù đã có kiến thức, nhưng sau khi ra trường, Việt chưa bắt tay vào xây dựng vườn ươm ngay mà anh tiếp tục khăn gói vào miền Nam, tìm đến các mô hình ươm giống cây trồng để học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật gieo giống. Khi đã có đầy đủ kinh nghiệm, anh mới trở về quê sử dụng toàn bộ diện tích đất vườn của bố mẹ rộng 5.000 m2 để ươm hàng chục loại các giống cây trồng như trầm hương, sưa đỏ, cam bù Hương Sơn, cam chanh Vũ Quang, cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, đinh lăng, ba kích… Để tạo thương hiệu, anh đã thành lập công ty TNHH Vườn ươm Việt để cung cấp giống trong và ngoài nước, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên, bà con quanh vùng. Ngoài ra, anh Việt còn mở cho mình một trang web tại địa chỉ vuonuomviet.com nhằm quảng bá sản phẩm, giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn và tư vấn cụ thể cho nông dân về cách trồng cây trầm hương.
Theo anh Việt, mỗi ngày, trung bình anh bán ra hơn 3.000 cây giống các loại, mỗi năm thu về trên 3 tỉ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm anh cũng thu được khoảng 600 triệu đồng tiền lãi. Không những giúp mình làm giàu, vườn ươm của anh Việt còn góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, trong đó có 2 lao động khuyết tật và 10 lao động thời vụ với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Phạm Đức (TNO)

 

Bình luận (0)