Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chợ đen rao bán thông tin cá nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, việc thu thập thông tin cá nhân sau đó rao bán lại cho các tổ chức môi giới, tiếp thị đang là một công việc hái ra tiền. Từ tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ cơ quan, địa chỉ nhà ở… được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Không khó để tìm thấy thông tin rao bán trên trên các diễn đàn internet, cần thì liên hệ chứ không gặp mặt. Chỉ nghĩ tới khoản lợi nhuận ít ai nghĩ tới chính việc mua bán những thông tin này đang là mối họa nguy hiểm cho những kẻ xấu lợi dụng.

Một trang bán danh sách, thông tin cá nhân qua mạng

“Bộ sưu tập” thông tin từ đâu?

Việc gặp mặt những người bán thông tin quả là việc không dễ dàng. Sau bốn lần liên hệ “năn nỉ” gặp mặt trao đổi, làm ăn lâu dài thì mới có thể gặp trực tiếp. Người phụ nữ tên Hương mang đến một  tập dày là “bộ sưu tập” tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ từ nhân viên văn phòng tới giám đốc, các số điện thoại đẹp… Sau một hồi giới thiệu và chị này bắt đầu chào giá. Tùy vào từng nhu cầu mà giá cho một danh sách từ 500 – 1 triệu đồng. Đặc biệt, người phụ nữ này nhấn mạnh chị đang sở hữu một danh sách 600.000 khách hàng tiềm năng đang sinh sống tại TP.HCM. Danh sách này được chào bán với giá 1,5 triệu đồng. Chị cũng tiết lộ còn một danh sách với gần 1.000 giám đốc, 1.600 người sở hữu xe ô tô cùng một danh sách dài dằng dặc về những người có tài khoản ngân hàng. Để tạo lòng tin cho khách hàng, người phụ nữ này đảm bảo danh sách này được thu thập vào nửa cuối năm 2016, đang còn khá “sốt dẻo”. Tỉ lệ sai lệch chưa tới 10%.

Thế nhưng, theo tìm hiểu thì những bộ mới cập nhật hoặc cập nhật trong năm có giá hơn 5 triệu. Thậm chí, có bộ hơn 10 triệu, danh sách này được đảm bảo là gọi đâu trúng đó tỉ lệ sai lệch rất thấp hoặc gần như không có.

Những người sở hữu danh sách này thường là những người làm trong lĩnh vực marketing hoặc website mang ra bán kiếm thêm. Sau khi mua thì người mua còn được hướng dẫn cách sử dụng làm sao cho hiệu quả như nhắn tin spam, gửi email giới thiệu, tiếp cận ngoài đời.

Nguồn gốc của những bộ sưu tập này từ đâu vẫn là một câu hỏi lớn cần lời đáp. Theo như tiết lộ thì, phần lớn là từ các công ty viễn thông hay từ các nhân viên ngân hàng hoặc từ các ngành nghề khác. Bất kì dịch vụ nào cũng đều tìm được “bộ sưu tập” tên tuổi địa chỉ có liên quan. Bên cạnh đó, từ những website chuyên đăng những mẩu quảng cáo ưu đãi cho những khách hàng để lại số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp đó cũng chính là nguồn thông tin để cho những người chuyên săn và mua bán thông tin cá nhân trục lợi.

Mua bán thông tin cá nhân có phạm luật?

Chị Hương cho hay: “Không dễ gì mà có thể gặp mặt được những người có nguồn tin gốc này. Tất cả đều giao dịch online qua facebook ảo, email và chuyển tiền qua tài khoản… Cùng một bản danh sách không chỉ bán cho một người mà bán cho rất nhiều người có nhu cầu. Chính vì vậy mà từ những danh sách này những người ngồi không cũng có thể kiếm cả 10 triệu/ tháng”.

Không khó để tìm thấy những nội dung rao bán thông tin trên mạng. Có đầy đủ danh sách theo nhu cầu bất động sản, du học, ngân hàng, xuất khẩu lao động, bảo hiểm… Thông tin cá nhân đang là một nguồn lợi bất chính gây phiền toái cho người dân.

Theo như chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Hùng (nhân viên văn phòng, Q.Tân Phú) “việc gọi điện thoại như vậy khá phiền phức. Nhất là đối với nhân viên văn phòng như tôi. Bởi tôi để chuông nhỏ nếu sếp gọi không nghe thì bị trách mắng, còn để chuông lớn thì quả thật rất phiền vì đang làm việc mà cứ nghe tiếng chuông điện thoại. Nhiều dịch vụ biết cả tên nơi ở, số điện thoại, biết mình chưa tốt nghiệp đại học, chưa có gia đình… hầu như là những thông tin cá nhân. Cảm giác như mình bị theo dõi.

Theo luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, chúng ta có những quy định rõ ràng về việc bảo đảm các bí mật thông tin cá nhân. Cụ thể là điều khoản tại Luật Dân sự, Luật Người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng đều nêu rõ người tiêu dùng có quyền được đảm bảo bí mật về thông tin. Các nhà mạng, các đơn vị bán hàng phải đảm bảo bí mật thông tin cho khách hàng và chỉ được thực hiện việc quảng cáo thương mại phải được sự đồng ý của khách hàng. Tại điều 66 Nghị định 174 của Chính phủ quy định về việc xử phạt liên quan đến hành vi mua bán thông tin. Cụ thể, với hành vi mua bán thông tin cá nhân như trên các cá nhân, tổ chức có hoạt động mua bán sẽ bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng.

Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, chúng ta có những quy định rõ ràng về việc bảo đảm các bí mật thông tin cá nhân. Cụ thể là điều khoản tại Luật Dân sự, Luật Người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng đều nêu rõ người tiêu dùng có quyền được đảm bảo bí mật về thông tin. Các nhà mạng, các đơn vị bán hàng phải đảm bảo bí mật thông tin cho khách hàng và chỉ được thực hiện việc quảng cáo thương mại phải được sự đồng ý của khách hàng. Tại điều 66 Nghị định 174 của Chính phủ quy định về việc xử phạt liên quan đến hành vi mua bán thông tin. Cụ thể, với hành vi mua bán thông tin cá nhân như trên các cá nhân, tổ chức có hoạt động mua bán sẽ bị xử phạt từ 50-70 triệu đồng.

Thông tin cá nhân đang trở thành món hàng mua đi bán lại của nhiều cá nhân tổ chức thu lợi bất chính. Điều này gây phiền phức trong cuộc sống hàng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hại, là điều kiện tốt cho những đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo, bất chính. Để bảo vệ mình thiết nghĩ người dân nên nâng cao tinh thần cảnh giác và tố giác tới các cơ quan chức năng khi phát hiện thông tin bản thân bị rao bán công khai.

Bài, ảnh: Phạm Quyên

Bình luận (0)