Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Biến chứng của viêm xoang

Tạp Chí Giáo Dục

Môi trường sinh hoạt đang dần bị ô nhiễm nặng là tác nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm xoang. Là một trong những căn bệnh mãn tính, viêm xoang có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu chúng ta không biết cách chữa trị.

Nhân viên y tế kiểm tra bệnh viêm xoang cho HS Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Thủ Đức)

Niêm mạc bị tổn thương nặng

Triệu chứng dễ nhìn thấy rõ nhất của bệnh viêm xoang là chảy dịch ra ngoài nhất là với trẻ em. Tùy theo vị trí xoang bị viêm mà dịch nhầy chảy từ mũi ra hoặc chảy xuống họng. Hiện tượng này làm cho bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở cổ họng lúc nào cũng muốn khạc nhổ hoặc phải khụt khịt mũi để giải thoát dòng chảy của dịch nhầy. Nếu bệnh nhẹ dịch nhầy chỉ có màu trắng trong nhưng nếu dịch màu xanh, có mùi hôi là viêm xoang nặng bị nhiều năm những không chữa lành. Viêm xoang còn là tác nhân gây nghẹt mũi làm cho bệnh nhân khó thở nhất là khi mũi bị nghẹt cả hai bên. Nếu viêm nặng thì mũi bị nghẹt không còn phân biệt được mùi vị gần xa do mùi vị không đi lên thần kinh khứu giác. Tuy nhiên theo chị Lệ Hồng – nhân viên kế toán ở Q.7, khi bị viêm xoang tất cả những triệu chứng đó chỉ thể hiện bên ngoài có thể chịu đựng được. Khổ nhất là người bệnh đau nhức ở vùng má, giữa 2 chân mày giao nhau, vùng sau gáy và một số nơi nhạy cảm khác trên mặt. Về nguyên nhân, trước hết là do sức đề kháng kém của con người không đủ khả năng để chống lại vi khuẩn làm cho vi khuẩn xâm nhập vào một cách dễ dàng. Đó là trường hợp bệnh nhân suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc, đường hô hấp hay rối loạn thần kinh thực vật. Bên cạnh đó tuyến nhầy của viêm mạc hoạt động nhiều làm tiết ra các chất dịch liên tục và thường xuyên.

Ngăn ngừa viêm xoang gây biến chứng

BS Võ Quang Phúc – Phó Giám đốc BV Tai mũi họng TP.HCM cho biết, viêm xoang là bệnh xảy ra do nhiễm trùng và viêm xoang cạnh mũi. Viêm xoang được phân thành 2 loại: cấp tính và mạn tính. Nếu cấp tính như viêm xoang hàm, viêm xoang sàng, viêm xoang trán, viêm xoang bướm thường chỉ điều trị nội khoa, uống thuốc hoặc nhỏ vào mũi thì viêm xoang mạn tính thì phải điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật. Những ca bệnh do điều trị nội khoa không dứt thì phải điều trị ngoại khoa. Viêm xoang có thể gây biến chứng ở đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, viêm thần kinh thị giác và cả viêm màng não.

Cách đề phòng viêm xoang là luôn giữ sạch mũi. Khi ra đường phải thường xuyên đeo khẩu trang nhất là những nơi nhiều khói bụi, môi trường bị ô nhiễm như khu xây dựng, hầm mỏ, lò vôi… Đối với trẻ nhỏ cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của BS không nhỏ các loại thuốc có tinh dầu quế, dầu hồi dễ bị xung huyết da và niêm mạc đường hô hấp của trẻ. Theo BS Lê Hoàng Cầm – BV Đại học Y dược TP.HCM, nhỏ thuốc viêm xoang phải đúng tư thế để thuốc chảy vào xoang mũi tránh trường hợp thuốc đi xuống họng và thanh quản làm xung huyết các bộ phận liên đới. Hạn chế nước chảy vào tai và mũi nhất là trong khi tắm hoặc bơi ở sông ngòi. Nếu nước chảy vào mũi thì phải biết cách làm cho nước chảy ra không để lâu ngày trong mũi sau đó lấy tăm bông gòn ngoáy khô. Bỏ thói quen lấy tay ngoáy vào mũi rất mất vệ sinh. Không nên hỉ mũi cả 2 bên một lúc mà xì từng bên một để tránh gây tổn thương niêm mạc mũi. Nhiều người nghĩ rằng xì mũi thật mạnh mới sạch chất nhầy nhưng điều này lại càng không nên vì vô tình chúng ta đã đẩy chất nhầy vào vòi nhĩ và tai dễ gây viêm tai. Nên lựa chọn hồ bơi sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên bởi vì bệnh có thể lây qua nguồn nước. Một số gia đình có thói quen dùng khăn mặt, khăn tắm chung, đây là điều không nên vì các loại đồ dùng này là “cầu nối” gây nhiễm bệnh. Nói chung đây là căn bệnh dễ lây nên không được dùng chung các vật dụng dù là người thân trong nhà. Một số phấn hoa, nấm mốc cũng là thủ phạm nhìn bằng mắt thường không thấy nhưng lại gây dị ứng cho hệ hô hấp nhất là những người dễ mẫn cảm, dị ứng. Nhiều người mới bị hắt hơi, nhảy mũi nhưng vẫn chủ quan coi thường không biết rằng để lâu sẽ có biến chứng viêm xoang. Lúc đó chữa trị vừa mất công vừa tốn kém. Kinh nghiệm dân gian như xông mũi bằng nước nóng, uống nhiều nước để bù chất dịch nhầy tiết ra ngoài là cách làm phổ biến. Nhỏ nước muối sinh lý với nước ép tỏi cũng làm dễ chịu khi viêm xoang gây đau nhức. “Tốt nhất là giữ gìn sức khỏe, ăn uống đủ chất, sống trong môi trường sạch sẽ ít khói bụi, không bị ô nhiễm sẽ khống chế được bệnh viêm xoang” –  BS Cầm khuyên.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)