Một số giáo viên cho rằng, dạy đọc hiểu văn bản nghị luận (VBNL) khá khó với học sinh lớp 6, lớp 7. Tôi cũng nghĩ thế, nhưng không thể không dạy…
Học sinh THCS được giáo viên hướng dẫn tìm sách đọc thêm tại thư viện (ảnh minh họa). Ảnh: V.Yên
Có lần tôi đã giải thích vì sao chương trình 2018 yêu cầu phải dạy loại văn bản này từ lớp 6. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh: Chương trình 2018 chủ trương bắt đầu dạy đọc hiểu VBNL từ lớp 6, nhưng với mức độ đơn giản. Mục đích và yêu cầu đọc VBNL chỉ là: Học sinh nhận biết được đặc điểm cơ bản của loại văn bản này; tức là nhận biết được các yếu tố ý kiến, lý lẽ và bằng chứng (dẫn chứng) trong VBNL. Cụ thể là khi đọc VBNL, các em nhận biết được trong văn bản này đâu là ý kiến, đâu là lý lẽ và dẫn chứng. Ý kiến thường thể hiện ở nhan đề cho nên cần chú ý nhan đề văn bản. Thế thôi, chưa cần yêu cầu học sinh phải nhận xét, đánh giá gì về ý nghĩa, nội dung và ngôn ngữ trong VBNL. Chẳng hạn, đây là các câu hỏi tìm hiểu VBNL trong sách ngữ văn 6 và ngữ văn 7 (bộ Cánh diều):
Sách ngữ văn 6: Đọc hiểu văn bản “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ”. Thứ nhất, văn bản viết về vấn đề gì? Nội dung của bài viết có liên quan như thế nào với nhan đề “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ”? Nếu được đặt nhan đề khác cho văn bản, em sẽ đặt là gì? Thứ hai, để thuyết phục người đọc rằng: Nguyên Hồng “rất dễ xúc động, rất dễ khóc”, tác giả đã nêu lên những bằng chứng nào? (ví dụ: “Khóc khi nhớ đến bạn bè, đồng chí từng chia bùi sẻ ngọt”…). Thứ ba, ý chính của phần 1 trong văn bản là: Nguyên Hồng “rất dễ xúc động, rất dễ khóc”. Theo em, ý chính của phần 2 và phần 3 là gì? Thứ tư, văn bản trên cho em hiểu thêm gì về nội dung đoạn trích “Trong lòng mẹ” đã học ở bài 3? Thứ năm, viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của em về nhà văn Nguyên Hồng, trong đó có sử dụng một trong các thành ngữ sau: “Chân lấm tay bùn”, “khố rách áo ôm”, “đầu đường xó chợ”, “tình sâu nghĩa nặng”.
Sách ngữ văn 7: Đọc hiểu văn bản “Vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng gà trưa””. Thứ nhất, nội dung chính của VBNL “Vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng gà trưa”” là gì? Nhan đề của văn bản liên quan đến nội dung chính như thế nào? Thứ hai, bài thơ “Tiếng gà trưa” được tác giả phân tích theo thứ tự nào? Trong mỗi khổ, người viết đã phân tích những chi tiết, hình ảnh gì? Thứ ba, hãy dẫn ra một ví dụ về ý kiến, lý lẽ và bằng chứng được tác giả nêu lên trong văn bản “Vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng gà trưa”” mà em thấy độc đáo, sâu sắc. Thứ tư, trong văn bản trên, tác giả rất chú trọng cách phân tích hình thức nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…) để làm nổi bật nội dung của bài thơ. Em hãy dẫn ra một ví dụ trong văn bản để làm rõ điều đó. Thứ năm, mục đích của văn bản “Vẻ đẹp của bài thơ “Tiếng gà trưa”” là gì? Các phần trong văn bản đã làm rõ cho mục đích đó như thế nào? Thứ sáu, VBNL này giúp em hiểu thêm được gì về bài thơ “Tiếng gà trưa” đã học ở bài 2?
Có thể thấy các câu hỏi ở cả 2 lớp nêu trên đều hướng đến yêu cầu học sinh nhận biết được đặc điểm của VBNL: Trước hết nhận ra được ý kiến (vấn đề hoặc nội dung chính) trong văn bản, thể hiện ở nhan đề (câu hỏi 1- ngữ văn 6 và 7). Sau đó yêu cầu chỉ ra lý lẽ và bằng chứng (câu 2 + câu 3, ngữ văn 6 và câu 3, ngữ văn 7). Câu 4 của ngữ văn 6 và câu 6 của ngữ văn 7 yêu cầu nhận biết sự liên quan giữa nội dung VBNL với văn bản văn học đã đọc hiểu. Đây chính là yêu cầu tích hợp dọc giữa các bài. Câu 5 của ngữ văn 6 yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức về thành ngữ vừa học trong phần tiếng Việt để viết đoạn văn có sử dụng một trong các thành ngữ cho sẵn. Nội dung các thành ngữ cho sẵn đều liên quan đến bài viết về nhà văn Nguyên Hồng.
Yêu cầu đọc hiểu ở lớp 7 yêu cầu cao hơn lớp 6 ở chỗ: Học sinh phải nhận biết tác giả phân tích bài thơ theo thứ tự nào với những chi tiết, hình ảnh gì? (câu 2). Ngoài ra còn yêu cầu học sinh nhận biết tác dụng của hình thức nghệ thuật trong việc làm nổi bật nội dung bài thơ (câu 4) và mối quan hệ giữa mục đích với các phần trong văn bản (câu 5).
Dạy đọc VBNL với sách ngữ văn 6 và ngữ văn 7, giáo viên nên tổ chức 3 hoạt động chính: Thứ nhất, tổ chức cho học sinh đọc kỹ VBNL trong sách giáo khoa, tìm hiểu các từ ngữ khó như là đọc các văn bản khác; không cần đi sâu vào tìm hiểu tác giả bài nghị luận. Thứ hai, tổ chức cho học sinh tìm hiểu các câu hỏi trong sách giáo khoa, tập trung vào các câu hỏi về đặc điểm VBNL (ý kiến, lý lẽ, bằng chứng). Giáo viên có thể chia ra các nhóm tìm hiểu các câu hỏi để có thời gian dành cho trao đổi, thảo luận. Thứ ba, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận kết quả tìm hiểu các câu hỏi đã làm, trên cơ sở đó giáo viên tổng kết lại nội dung của mỗi câu.
Cần chú ý khi dạy đọc VBNL ở tất cả các bài, giáo viên không cần nêu thêm bất kỳ một nội dung nào khác, mà chỉ phát triển chi tiết hoặc thêm câu hỏi gợi mở từ các câu hỏi trong sách giáo khoa. Vì các câu hỏi ấy đã thể hiện đủ các yêu cầu đọc hiểu của chương trình về VBNL rồi.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)