Tôi biết nhiều trường có giáo viên là anh/em, con/cháu… của các vị chức sắc lớn nhỏ ở địa phương. Thậm chí có giáo viên là “bà xã” của lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành giáo dục. Trước hết, các giáo viên trong trường biết lãnh đạo luôn quan tâm đến nhóm giáo viên này hơn những giáo viên thuộc nhóm “bình dân”. Theo đó, nhóm giáo viên “gốc bự” này luôn được ưu tiên lớp dạy và làm những công việc nhẹ hơn (chắc đã có bàn bạc trước với các tổ trưởng chuyên môn trong phân công giảng dạy, công tác kiêm nhiệm khác). Ngoài ra, nhóm giáo viên “gốc bự” cũng luôn được đồng nghiệp kiêng dè, nể nang; nhiều người muốn kết thân để biết đâu có dịp nhờ vả sau này. Đa số giáo viên này rất khiêm nhường, không tỏ vẻ ta đây là anh/em, con/cháu ông nọ bà kia hoặc họ hàng với bác này bác kia… Nhưng cũng có một số tỏ ra mình là người “có quyền hành” mặc dù không có chức vụ gì cả. Ban giám hiệu khi trò chuyện, tiếp xúc với các giáo viên “gốc bự” cũng luôn ý tứ, không suồng sã hoặc khoe khoang về trình độ của mình. Bởi, nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có nói hoặc làm điều gì mà giáo viên bất bình, không đồng thuận hoặc có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ thì nhất định những “thông tin ngoài luồng” sẽ đến tai lãnh đạo. Một khi một số sự việc của nội bộ trường đến tai cấp trên thì sẽ được gọi điện thoại hỏi thăm. Từ đó, hiệu trưởng sẽ “mất điểm” với cấp trên.
Tuy nhiên, đây lại là dịp may hiếm có đối với những hiệu trưởng có “tầm nhìn xa trông rộng”. Theo đó, nhóm giáo viên “gốc bự” này luôn được hiệu trưởng o bế, thăm hỏi thường xuyên. Nếu là con/cháu các sếp làm lớn ở huyện/tỉnh thì thật tuyệt vời nên phải nắm lấy cơ hội không dễ gì có được như thế này. Hôm nay món quà này, ngày mai gói quà kia gởi anh Tư, anh Bảy… thông qua giáo viên của mình thì có niềm vui nào bằng. Từng bước như vậy, hiệu trưởng dần dần đã “biến không thành có, biến khó thành dễ” và nghiễm nhiên có được sự chở che của các sếp khi gặp những sự cố. Các mối quan hệ ngang dọc, cao thấp đan xen cũng từ đây mà ra bởi những chiếc cầu nối trong nhà trường. Đúng là “nhịp cầu nối những bờ vui” như tựa đề một bài hát.
Lẽ ra nhóm giáo viên “gốc bự” này cũng bình đẳng như mọi giáo viên khác trong trường. Nhưng vì người thân của họ “làm lớn” chứ họ đâu có “làm lớn”. Biết là vậy nhưng không một ai dám nói ra và luôn giữ khoảng cách an toàn trong giao tiếp “cho nó lành”.
Lê Lam Hồng
Bình luận (0)