Theo đuổi nghề luyện kim với rất nhiều dự định để mở xưởng gang thép trên chính quê hương mình nhưng rồi anh Hồ Như Liệu lại rẽ ngang, trở thành ông chủ vườn rau thủy canh công nghệ cao với 2000 mét vuông ở Đà Nẵng. Với anh Liệu, tình yêu nông nghiệp có sợi dây kết nối đặc biệt để khi xa rồi trở lại gắn bó vẫn thấy thân thuộc và khó đứt rời.
Theo đuổi mô hình rau thủy canh, anh Hồ Như Liệu luôn đặt tiêu chuẩn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu
Từ ước mơ làm ông chủ xưởng gang thép
Hồ Như Liệu sinh năm 1984, quê ở vùng chiêm trũng thuộc huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). “Thuở nhỏ, ngày một buổi đến trường học, buổi còn lại ra đồng cày cấy phụ giúp gia đình. Sinh ra ở nông thôn, thuần nông nghiệp nghèo nên cũng như nhiều bạn bè khác, tôi nuôi ước mơ học hành, kiếm được việc làm ổn định”, Liệu kể. Nghề mà Liệu chọn sau khi tốt nghiệp THPT là ngành luyện kim, Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim Thái Nguyên. Tốt nghiệp, trở về quê làm một thời gian ngắn. Nghĩ tuổi trẻ cần phải nỗ lực vươn xa hơn, Liệu làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động với ý định vài năm ở xứ người sẽ gom góp chút vốn về mở xưởng gang thép, tự mình làm chủ.
Đến Malaysia, anh Liệu nhận việc trong khuôn viên thực hành của một trường đại học nông nghiệp. “Ở đó, tôi được các kỹ sư hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng rau công nghệ cao. Vốn học nghề luyện kim nên tôi hiểu về các công thức hóa học vì vậy tôi nắm bắt rất nhanh công nghệ mới. Trồng dần rồi thuần thục, quen và thích cái không khí trong nhà màng với những vạt rau xanh, yên tĩnh và vui”, anh Liệu kể.
Rau được anh Liệu đóng gói cẩn thận trước khi đưa ra thị trường
Năm 2014, trở về vài năm sau hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, anh chọn Đà Nẵng tiếp tục công việc ở xưởng gang thép. Nỗ lực rất nhiều nhưng để phát triển với nghề không đơn giản. Tầm năm 2019, khi gặp lại một người bạn cùng làm trong mảng thực phẩm, anh quyết định đầu quân. Lối rẽ của anh Liệu từ một anh thợ gang thép lành nghề trở thành một nông dân thực thụ bắt đầu từ đó.
Đến chủ trang trại rau thủy canh công nghệ cao
“Một thời gian ngắn sau đó, nhận thấy nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố này có thể phát triển, trong khi đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và yếu tố thời tiết ở miền Trung không ủng hộ thâm canh thuần nông xưa nay thì công nghệ cao là một lựa chọn khả dĩ”, anh Liệu chia sẻ.
Nghĩ là làm. Đầu năm 2020, anh Liệu nộp đơn trình bày nguyện vọng muốn mượn đất lên Hội Nông dân phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Được chấp thuận cho mượn 500 mét vuông. Liệu kể, ban đầu bắt tay vào làm, dù đã có nhiều kinh nghiệm nhưng cũng gặp lắm khó khăn. Mọi thứ phải để ý từ tiểu tiết, chăm bẵm từ khâu làm đất, ươm giống cho đến thời điểm lên giàn, pha dinh dưỡng hợp lý… Giống và phân bón được lựa chọn mua ở thị trường các nước có chất lượng, thương hiệu. Rau phát triển hoàn chỉnh được lấy mẫu đi kiểm tra, xét nghiệm các chỉ số an toàn mới bắt đầu đưa ra thị trường. Tỉ mẫn từng thứ một, có khi lứa rau không đảm bảo phải bỏ đi thay vì cố vớt vát kiếm bù lại đồng vốn. “Quan điểm của tôi, sức khỏe người tiêu dùng là trên hết. Thực phẩm mình trồng ra, mình phải ăn được đảm bảo mới bán ra thị trường cho người tiêu dùng”, anh Liệu bộc bạch.
Với những thành công bước đầu được đánh giá cao, Hội Nông dân tiếp tục cho Liệu mượn thêm đất mở rộng trang trại thành 2000 mét vuông. Anh Liệu đầu tư trồng đa dạng rau từ các loại cải, cà chua, dưa leo, các loại rau thảo mộc… Anh cho biết, với phương pháp trồng rau công nghệ cao thì giảm được phần nhân công. Một ưu điểm quan trọng khác là rau thủy canh ít sâu bệnh hơn so với trồng thổ canh do được cách ly với mặt đất.
“Lâu nay rau trồng ra được tôi mang đến cơ quan có thẩm quyền test chất lượng. Tương lai gần, tôi đã bàn với vợ hiện đang làm trong mảng công nghệ thực phẩm đầu quân về cùng tôi, đầu tư máy móc để kiểm định chất lượng rau quả tại chỗ. Mình phải tạo ra sản phẩm chất lượng thì từ đó uy tín và thương hiệu sẽ được người tiêu dùng trao tặng lại cho mình. Mang đến sự an tâm cho bữa cơm ở mỗi gia đình cũng là hạnh phúc của người làm nông nghiệp”, anh Liệu trải lòng. |
Hiện bình quân mỗi ngày, trang trại của anh Liệu xuất ra khoảng 90kg rau các loại và 20kg cà chua vào siêu thị, các chợ và các điểm bán nông sản sạch. Bình quân chu kỳ một vòng đời cây rau từ khi lên giàn cho đến khi thu hoạch kéo dài từ 28 đến 35 ngày, tùy loại. Theo anh Liệu, do đang là mùa xuân nên lượng rau quả trồng còn cầm chừng do các vùng quê có nhiều rau nhờ thời tiết thuận. Số lượng rau ở trang trại sẽ được trồng đẩy mạnh vào các thời điểm thời tiết khắc nghiệt để đáp ứng nhu cầu của khách tiêu dùng. Ngoài bán rau thành phẩm, Liệu còn ươm các loại rau giống để bán cho khách trồng trên ban công, sân thượng… Mỗi tháng mô hình của Liệu bình quân thu lãi khoảng 20 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí, giống, dinh dưỡng, nhân công…
Gầy dựng trang trại giữa thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều mẻ rau anh Liệu chỉ bán thu hồi vốn, số còn lại anh bàn với vợ mang tặng các điểm cách ly gặp khó khăn. Liệu bảo, mảnh đất này giàu tình nghĩa, đã cho mình cơ hội để bám trụ và thực hiện ước mơ. Vì vậy, sẻ chia lại một chút thành quả với mọi người trong lúc khó khăn không chỉ là trách nhiệm mà còn là ân tình với thành phố.
Hỏi về dự định tương lai gần, anh Liệu nói, trải qua nhiều công việc bây giờ anh đã thật sự gắn bó với nghề nông. Mọi ước mơ và dự định đều hướng đến mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm đưa đến người tiêu dùng trước khi nghĩ đến việc mở rộng trang trại.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)