Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TS. Lê Trường Tùng: ĐH ngoài công lập tồn tại như trang trí

Tạp Chí Giáo Dục

Với số lượng sinh viên chiếm chưa đến 14% như hiện nay, các trường Đại học ngoài công lập tồn tại mang tính trang trí”, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị trường ĐH FPT nhận xét.

TS. Lê Trường Tùng: ĐH ngoài công lập tồn tại như trang trí
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại một trường ĐH. Ảnh nguồn Internet.

Hội thảo thực trạng và các giải pháp cấp thiết củng cố, phát triển các trường ĐH, CĐ NCL do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức hôm qua, 22/12, cho thấy, sau hơn 20 năm phát triển, hệ thống ĐH ngoài công lập đã có nhiều đóng góp trong chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng như đào tạo nhân lực cho xã hội.

Tuy nhiên, đến nay số lượng trường ngoài công lập còn ít và tỉ lệ sinh viên theo học cũng còn rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

Trước đó, TS Phạm Thị Ly – Viện đào tạo quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, năm 2014 tỉ lệ sinh viên đang theo học tại các trường ngoài công lập ở VN chiếm khoảng 14%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Hàn Quốc 80%, Nhật 77%, Indonesia 71%, Philippines 65%).

'Người ta nói ĐH ở VN mọc như nấm thì các trường ĐH công lập là siêu nấm. Cứ một trường ĐH ngoài công lập ra đời thì có đến chín trường ĐH công lập được thành lập mới dẫn đến tỉ lệ sinh viên trường công luôn chiếm số lượng rất lớn", TS Lê Trường Tùng cho hay.

Sở dĩ các trường Đại học ngoài công lập (ĐHNCL) của Việt Nam đang “sống dở, chết dở” như hiện nay được lãnh đạo các trường cho rằng có liên quan đến hành lang pháp lý, chế độ chính sách của nhà nước đối với mô hình trường này. 

Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Lê Trường Tùng cho rằng khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta cam kết mở cửa giáo dục. Nếu xem giáo dục là dịch vụ thì phải chấp nhận cạnh tranh. Các văn bản pháp luật hiện nay vi phạm nghiêm trọng Luật cạnh tranh khi 90% các trường ĐH công lập cung cấp dịch vụ dưới giá thành.

GS. Hoàng Xuân Sính, chủ tịch hội đồng quản trị cho rằng chủ trương chuyển các trường ĐH Dân lập sang tự thục là đúng nhưng việc đưa ra khái niệm tài sản thuộc sở hữu chung đã làm nhiều trường ĐH không thể chuyển từ dân lập sang tư thục.

“Các văn bản Luật giáo dục ĐH, Nghị định 141, Điều lệ trường ĐH đều có điều khoản áp đặt, không tạo ra sự thông thoáng cho các trường phát triển” – GS. Hoàng Xuân Sính nói.

Khảo sát 9 vấn đề về các trường Ngoài công lập

Trước những khó khăn của các trường ĐH NCL, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết hiện cả nước vẫn còn 9 trường ĐH dân lập chưa chuyển được sang tư thục và đã quá hạn chuyển đến 10 năm.
Thứ trưởng cũng đề nghị những trường này phải hoàn thành thủ tục chuyển trong năm 2016. 

Tuy nhiên, để có được chính sách toàn diện phát triển các trường NCL, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng vừa chỉ đạo việc thành lập nhóm chuyên gia để triển khai khảo sát, đánh giá tất cả các trường NCL để có một bức tranh tổng thể về thực trạng các trường đại học ngoài công lập từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách, hỗ trợ phát triển các trường đại học ngoài công lập. 

Nội dung khảo sát sẽ tập trung vào 9 vấn đề: Cơ chế chính sách: phù hợp/bất cập/đề xuất thay đổi… Đội ngũ GV; Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên; Cơ cấu tổ chức và chinh sách phát triển trường;  Đất đai, khả năng tài chính; Đầu tư cơ sở vật chất: giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm…;  Tình hình tuyển sinh; Quy mô đào tạo, tốt nghiệp;  Nghiên cứu khoa học; Hợp tác quốc tế.

Các trường sẽ có tổ công tác phối hợp với nhóm chuyên gia để cung cấp thông tin và hỗ trợ công tác khảo sát. 

Sau khi có kết quả khảo sát, dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị các trường ĐHNCL vào khoảng tháng 3/2017 để đánh giá đúng thực trạng, thảo luận về định hướng phát triển và cơ chế chính sách… để xác định các giải pháp tổng thể, thực sự cần thiết để phát triển hệ thống trường NCL trong thời gian tới.

Nghiêm Huê (TPO)

Bình luận (0)