Sáng 20-12, chương trình tư vấn hướng nghiệp Cùng bạn chọn nghề cho tương lai lần thứ 14 năm học 2021-2022 đã được khởi động tại Tỉnh Đắk Lắk với 3 trường: THPT chuyên Nguyễn Du, THPT Buôn Ma Thuột, THPT Phú Xuân.
TS. Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc chương trình
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức, với sự đồng hành của ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF).
Định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp học sinh chọn được ngành học phù hợp
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk TS. Đỗ Tường Hiệp khẳng định, trong các năm qua chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã mang đến nhiều thông tin chính thống, bổ ích cho học sinh trên địa bàn tỉnh trong việc định hướng chọn nghề, chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường lao động.
Những đóng góp mà chương trình tạo ra rất đáng trân trọng, đó là công sức không chỉ của cán bộ, phóng viên, nhân viên mà còn của nhiều thầy giáo, cô giáo, chuyên gia các trường ĐH, CĐ, các trung tâm,… nhằm giúp học sinh vững vàng bước vào ngưỡng cửa tương lai.
“Việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp học sinh chọn được hướng học, hướng nghề, hướng trường phù hợp hơn, hạn chế việc sinh viên học ngành nghề chưa phù hợp ở các giảng đường do chọn sai nghề, sai ngành, sai sở thích, năng lực của bản thân”, TS. Đỗ Tường Hiệp nhận định.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm học 2021-2022, trong diễn biến phức tạp của dịnh COVID-19, việc tổ chức dạy và học có nhiều thay đổi. Trong đó, chương trình Tư vấn – Hướng nghiệp – Tuyển sinh được ngành GD-ĐT tỉnh thực hiện theo hình thức phù hợp, đảm bảo phòng chống dịch theo quy định của ngành Y tế, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Năm nay, chương trình tư vấn hướng nghiệp dự kiến diễn ra ở hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh, có thể triển khai bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến một cách phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực
“Đây là chương trình có qui mô lớn, truyền thống với đội ngũ thầy cô giáo, chuyên gia nhiều tâm huyết, chuyên môn sâu. Ngành GD-ĐT tỉnh sẽ chỉ đạo các trường THPT ở trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức để thực hiện chương trình ngày càng tốt hơn”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk TS. Đỗ Tường Hiệp nhấn mạnh.
Tiềm năng ngành nghề của tỉnh Đắk Lắk rất lớn
Tại chương trình, chia sẻ đến học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ông Trần Anh Tuấn (Chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động) cho hay, Đắk Lắk là tỉnh lớn, là tỉnh trọng điểm trung tâm của vùng kinh tế Tây Nguyên- 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của Việt Nam. Địa bàn tỉnh có khả năng lớn về lĩnh vực thuỷ điện, khai thác lâm sản, tiềm năng lớn về du lịch…
Ông thông tin, hiện nay Đắk Lắk đang có chương trình lớn về khởi sự kinh doanh.
Các nhóm ngành về công nghệ nông lâm, chế biến; Xây dựng, kiến trúc, vật liệu; Công nghệ sinh học, vi sinh; Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Giữa bối cảnh thị trường lao động trên cả nước và tỉnh Đắk Lắk trong đại dịch khó khăn song chuyên gia này nhận định chắc chắn sẽ hồi phục. Khi đó đòi hỏi sự hội nhập kinh tế, thị trường lao động tự do dịch chuyển.
“Tiến tới cuộc CMCN 4.0 với thị trường máy móc đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, nhân cách, gắn liền với công nghệ và ngoại ngữ. Thị trường lao động của lao động có nghề nghiệp sẽ chiếm trên 90%, lao động không có nghề nghiệp hoặc yếu sẽ bị cạnh tranh, những nghề lặp đi lặp lại sẽ bị thay thế. Như vậy, vấn đề đặt ra bây giờ là các em phải chọn được nghề nghiệp phù hợp nhất với mình trong các cấp bậc học phù hợp”, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện định vị, lựa chọn ngành nghề sau THPT, trao đổi với học sinh trong chương trình, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận, đây là câu chuyện cần phải làm sớm và không dễ xác định.
“Một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên phải bỏ học giữa chừng xuất phát từ chính việc lựa chọn ngành học từ ban đầu. Khi lựa chọn ngành không chỉ đơn giản là để có việc làm mà còn phải phù hợp với bản thân, là ngành học mà bản thân mình thấy thích thú, đam mê, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh CMCN 4.0. Có như vậy mới tạo ra được các gía trị cho xã hội”.
Bà gợi ý, để chọn được ngành học phù hợp, người học phải căn cứ vào điều bản thân thực sự đam mê, điều mình có thể làm tốt và điều xã hội cần hay mục đích nghề nghề của mình. “Sự kết hợp, giao thoa của 3 mảng này chính là nghề nghiệp lý tưởng của các em”, TS. Mai nói.
Đặc biệt, TS. Mai cho hay, hiện nay các trường ĐH sử dụng rất đa dạng các phương thức xét tuyển, phổ biến là: Điểm thi tốt nghiệp THPT; Điểm xét tuyển học bạ; Điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM; Các kỳ thi riêng; Điểm chứng chỉ ngoại ngữ…
Các chuyên gia tư vấn tham gia chương trình
“Học sinh trường chuyên, học sinh giỏi các em cũng không chủ quan với phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Ở phương thức này trong vài năm nay có điểm trung bình cao, điểm xét tuyển cao. Do đó, các em không nên xem đây là phương thức duy nhất mà nên có phương thức dự phòng để tăng khả năng trúng tuyển”, chuyên gia này lưu ý.
Phân tích thêm, TS. Mai cho hay, việc chuẩn bị sớm cho hành trình sau THPT giúp học sinh chuẩn bị được phương thức tuyển sinh phù phù hợp, mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Cạnh đó, đó còn là sự lựa chọn phù hợp về học phí, chuẩn bị cần thiết các yêu cầu nghề nghiệp. “Biên độ nghề nghiệp hiện nay rốt rộng, khi chọn lựa ngành nghề các em cần mở rộng để gia tăng thêm cơ hội. Học sinh học tốt các em nên mạnh dạn tìm thêm các học bổng du học”, TS. Mai nói thêm.
Nhiều ngành sẽ “phất” sau đại dịch
Trước băn khoăn của nhiều học sinh về tác động của dịch COVID-19 đến ngành nghề, ông Trần Anh Tuấn thông tin, ngành du lịch có ảnh hưởng nhiều trong đại dịch khi thị trường đóng băng, hơn 35% nhân lực du lịch phải chuyển ngành.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang nỗ lực chuyển hướng và phát triển du lịch nội địa thành công với du lịch hệ sinh thái và du lịch tâm linh. “Sau đại dịch ngành du lịch sẽ phát triển. Năm 2020 tổng số thí sinh thi vào du lịch đứng thứ 4 trong ngành nghề, với tỷ lệ chọi rất cao từ 1:2, có trường lên đên 1;5, 10. Do vây, nếu yêu thích ngành du lịch các em cứ mạnh dạn theo học, quan trọng là có tình yêu với nghề”, ông Tuấn chia sẻ.
Chung nhận định, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (đại diện HUTECH) cũng cho rằng, hiện nay dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực du lịch song chỉ mang tính giai đoạn, sau này sẽ phát triển, thậm chí khi được “bung” ra thì sẽ càng phất lên mạnh mẽ.
Một trong những ngành nghề nhận được nhiều quan tâm của học sinh là CNTT. TS. Trương Công Duẩn (Swinburne) thông tin, nhu cầu nhân lực trong ngành này là rất lớn. Riêng năm 2021, Việt Nam cần 500.000 nhân lực song vẫn còn thiếu đến 200.000. Hầu hết ngành nghề có thu nhập cao đều từ CNTT.
“Ứng dụng của CNTT hiện nay là cực kỳ lớn. Ngay trong dịch COVID-19, CNTT là ngành cực kỳ phát triển, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển. Ngành liên quan là truyền thông quảng cáo, marketing online đều phát triển. Như vậy, các em có thể học trực tiếp ngành CNTT hoặc học cách ứng dụng CNTT. Các ngành đơn giản, lặp đi lặp lại sẽ bị thay thế. Các em phải dấn thân và học cách sử dụng ứng dụng các công cụ thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở…”, TS. Duẩn nói.
Yến Hoa
Bình luận (0)