Chỉ còn 4 ngày nữa là hết hạn đăng ký xe chính chủ. Do đó, những ngày cận thời hạn này, người dân đổ xô đi đăng ký rất đông. Có những ngày đến vài trăm người, ra vào tấp nập khiến không khí trụ sở của Đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (PC67) Công an TP.HCM trở nên nhộn nhịp khác thường.
Người dân cùng với công an đang thực hiện việc xét xe chính chủ |
Quyền làm chủ: Một nhu cầu chính đáng
Đã mất tiền mua xe, thì việc được đứng tên sở hữu một cách chính thức là ước mong chính đáng của người dân. Và cũng chính vì vậy mà người chủ sở hữu có thể chịu trách nhiệm một cách trọn vẹn trong suốt quá trình sử dụng cũng như khi có vấn đề liên quan trong tham gia giao thông. Nhận thấy lợi ích của việc làm này, ông Phùng Văn Bình (ngụ phường 13, quận Tân Bình) đã cất công sửa sang lại chiếc “xe cổ” Cub 78 (biển số 57-2641V) và quyết tâm đi đăng ký xe chính chủ “để được là “ông chủ” của chiếc xe thân thương này”.
Được biết, chiếc xe này ông Bình đã mua lại từ một người em trai, nhưng chủ cũ của nó là ông Nguyễn Văn Dung (cựu Công an quận 5). Vì vậy ông cũng phải chạy tới chạy lui để tìm được ông chủ cũ nhằm hợp thức hóa thủ tục sang tên chính chủ. Vì là xe Cub 78, chỉ có khung số (không có số máy), nên khi làm thủ tục xét xe đã ít nhiều gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, người công an thực hiện việc này đã rất tận tâm chỉ dẫn cho ông Bình cách cà khung số và chờ chứng thực hồ sơ cho ông khi đã hết giờ hành chính buổi chiều. Nhờ vậy mà ông đã kịp nộp hồ sơ như bao người khác. Cầm tờ giấy hẹn nhận kết quả vào ngày 23-1-2017, ông cụ 78 tuổi ra về với nụ cười tươi trong khi cả trăm người vẫn còn chờ nộp hồ sơ trong văn phòng hoặc chờ xét xe ở sảnh trong khuôn viên.
Cùng tâm trạng như ông Bình, anh Trần Tấn (ngụ quận 9) cũng sẵn sàng bỏ công việc để đi sang tên chính chủ cho chiếc xe hiệu Future màu xám bạc mà anh đã mua từ người quen cách đây gần chục năm. Lẽ ra anh Tấn đã đi làm thủ tục sớm hơn, nhưng do công việc cuối năm bận rộn nên “gần đến giờ G tôi mới đi làm thủ tục được. Tôi cũng như mọi người, đều muốn mình trở thành chủ của chiếc xe mình đã sở hữu. Đồng thời với quyền làm chủ thì mình cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong quá trình sử dụng, hoặc kể cả khi có gây va chạm hay sự cố khi lưu thông, mình cũng có thể tự đứng ra phối hợp giải quyết với cơ quan chức năng, mà không gây rắc rối hoặc liên đới trách nhiệm đến người chủ cũ. Theo tôi, đây là một quy định đúng đắn và rất hợp lý hợp tình”.
Cần đứng tên sở hữu phương tiện
Nói về tầm quan trọng của quy định thực hiện sang tên chính chủ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh (Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an) lưu ý: “Luật Giao thông 2008 quy định, phương tiện phải được đăng ký quyền sở hữu. Người bỏ tiền ra mua, hoặc được cho, được tặng phương tiện thì phải đứng tên sở hữu phương tiện đó. Nếu không làm thủ tục sang tên, khi xảy ra các sự việc liên quan đến phương tiện, thì người bán phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ về mặt pháp lý, người bán vẫn là chủ sở hữu của phương tiện đó”.
Theo quy định, kể từ ngày 1-1-2017, lực lượng chức năng sẽ không giải quyết đăng ký đối với những trường hợp xe chuyển nhượng qua nhiều người, nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ. Do đó, Trung tá Nguyễn Minh Quang (Phó đội trưởng Đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lưu ý, đây là cơ hội thuận tiện để người dân đăng ký nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân. Để thực hiện việc đăng ký xe chính chủ, người dân hãy đến Đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (PC67) Công an TP.HCM, tại địa chỉ: 282 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM). |
Cũng theo Thiếu tướng Dánh, vấn đề quy định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đã có từ nhiều năm nay trong nghị định của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, và nay Nghị định 46 vẫn tiếp tục kế thừa. Theo đó, Nghị định 46 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 sắp tới. Và khi đến thời điểm này, những người vẫn chưa thực hiện việc chuyển đổi chính chủ được xem là cố tình không thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Tuy quy định chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện được thực hiện rất nghiêm minh, nhưng theo lý giải của cơ quan chức năng thì việc mượn xe, thuê xe lưu thông vẫn được chấp nhận trong những trường hợp như chồng đi xe của vợ, con cái đi xe của cha mẹ hoặc ngược lại. Trong các trường hợp này do không có phát sinh pháp lý, nên lực lượng chức năng không được quyền phạt người mượn xe. Bên cạnh đó, việc thuê xe lưu thông cũng không vi phạm, nếu người lưu thông có giấy phép lái xe đúng quy định, đã biết rõ chủ phương tiện là ai và điều cần thiết nữa là phương tiện đó có đủ điều kiện lưu thông theo quy định chung.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)