Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (CSGD) ĐH để lấy ý kiến rộng rãi. So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường ĐH hiện hành (được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007) thì bộ tiêu chuẩn mới trong dự thảo lần này có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn.

Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: M.Tâm

Theo đó, dự thảo quy định cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng GD, áp dụng đối với các học viện, trường ĐH.

25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CSGD được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá CSGD do mạng lưới các trường ĐH ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7-2016. Bộ này gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá toàn bộ hoạt động của một CSGD ĐH, được chia thành 4 nhóm: đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (8 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (4 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (9 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); kết quả hoạt động (4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

Như vậy, so với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường ĐH hiện hành do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2007 (chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí) thì bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn.

7 mức đánh giá

Việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành. Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức (tương ứng với 7 điểm) thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay. Cụ thể, mức 1: hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu tiêu chí. Mức 2: chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí, cần có thêm nhiều cải tiến chất lượng. Mức 3: chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí nhưng chỉ cần một vài cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu. Mức 4: đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chí. Mức 5: đáp ứng cao hơn yêu cầu tiêu chí. Mức 6: thực hiện tốt như một hình mẫu của quốc gia. Mức 7: thực hiện xuất sắc.

CSGD được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2.

Dự thảo lần này cũng quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi CSGD được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng tại các CSGD.

Theo Bộ GD-ĐT, dự thảo nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng GD theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng GD ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng (nhất là từ sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN).

Ở giai đoạn chuyển tiếp, những CSGD đang đánh giá theo bộ tiêu chuẩn hiện hành được tiếp tục thực hiện quy trình kiểm định chất lượng GD theo quy định đó.

Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hiệu lực trong thời gian 5 năm, các CSGD cũng có thể đăng ký để đánh giá thêm theo quy định mới.

Mê Tâm

Bình luận (0)