Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xây dựng cơ chế kinh tế Vùng trọng điểm phía Nam: Phải gần như cơ chế đặc khu kinh tế!

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do UBND TP.HCM và Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức cuối tuần qua.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao đổi với các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: A.Khánh

Tham dự hội thảo còn có ông Ngô Đông Hải – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh).

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong giai đoạn từ 1998-2015, cơ cấu kinh tế các tỉnh, thành trong vùng đã có bước chuyển dịch nhanh và đúng hướng; hiệu quả sản xuất được nâng cao về chất và lượng; huy động được các nguồn lực đầu tư (đặc biệt nội lực liên kết vùng); môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể; nhiều dự án phát triển sản xuất – kinh doanh hấp dẫn, thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn khó khăn hạn chế trong quá trình thực hiện liên kết phát triển vùng như: Chưa xác định được cơ chế, giải pháp phù hợp chung giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng để phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng đối với công tác quản lý; Thiếu định hướng và chiến lược chung, từ đó thiếu sự gắn kết, phân công giữa TP.HCM và các tỉnh để phát triển những ngành có lợi thế của từng địa phương trong toàn vùng; Chất lượng tăng trưởng kinh tế toàn vùng chưa cao, thiếu bền vững; Chưa có giải pháp cụ thể nhằm giảm dần chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tỉnh, thành trong vùng…

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá cao sự phát triển của vùng trong thời gian qua. Song, việc chưa đánh giá hết tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa xây dựng được cơ chế, chính sách để tăng cường sự thúc đẩy phát triển; chưa nghiên cứu hết thuận lợi, khó khăn thách thức để đưa ra giải pháp kịp thời; cơ chế phối hợp còn mang tính hình thức… là những tồn tại phải được khắc phục ngay.

Từ thực tế này, ông Thăng cho rằng: “Để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, trong thời gian tới cần xây dựng cấu trúc liên kết vùng; xây dựng cơ chế kinh tế vùng phải gần như cơ chế đặc khu kinh tế, phải đặt trong không gian mở của vùng. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách thu hút đầu tư phù hợp, chính sách phải gắn với cả vùng chứ không chỉ từng địa phương một. Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vùng phát triển trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đề xuất ban hành cơ chế, quy chế liên kết vùng để đảm bảo Ban Chỉ đạo điều phối vùng có đủ thẩm quyền. Xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho vùng nhằm cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Phải xem xét mời gọi các trường ĐH, chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển kinh tế toàn vùng. Rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, TP phải thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của vùng, của từng ngành, từng lĩnh vực”.

An Khánh

Bình luận (0)