Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em (LĐTE) và người chưa thành niên từ 5-17 tuổi.
Trẻ em theo cha mẹ nhặt ve chai. Ảnh: T.A |
Tại các nhà xưởng, cơ sở kinh doanh… nhu cầu sử dụng LĐ, đặc biệt là LĐTE vào dịp cuối năm là rất lớn. Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đây cũng là thời điểm người LĐ bị bắt nạt, xâm hại và quỵt tiền lương, thưởng nhiều nhất trong năm.
Chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEP) Trần Công Bình cho rằng, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều LĐ đến từ các tỉnh, thành khác, trong đó có LĐTE. Các trường hợp phải làm việc nặng nhọc nhiều giờ/ngày phần lớn là trẻ nhập cư. Đa số các em thuộc nhóm này đã nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Các chuyên gia cảnh báo, LĐTE dễ rơi vào hoàn cảnh chịu áp lực công việc không phù hợp với lứa tuổi và các hình thức bạo lực nơi làm việc. Bạo lực thường gặp nhất đối với LĐTE đang làm việc tại các gia đình, hộ sản xuất kinh doanh là bạo lực thể chất như đánh đập, thậm chí có thể là giết hại. Ngoài ra, LĐTE còn bị bạo lực tâm lý như mắng chửi, dọa dẫm, phân biệt đối xử, xa lánh… Nguy hiểm hơn, LĐ độ tuổi này còn chịu bạo lực tình dục, bắt đầu từ hành vi quấy rối tình dục, vuốt ve và sau đó là hiếp dâm.
TS. luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, khi những đứa trẻ cảm thấy thường xuyên bị đe dọa bởi bạo lực tại nơi làm việc, chúng sẽ học theo những hành vi này và hành xử bạo lực với người khác.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, kết quả khảo sát TE tại khu vực có nhiều người nhập cư như xã Nhơn Đức, Phước Kiển (huyện Nhà Bè); P.Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) và P.26 (Q.Bình Thạnh), cho thấy hiện tượng TE tham gia hoạt động kinh tế và LĐTE là khá phổ biến. Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều gia đình đòi hỏi TE phải LĐ khi còn rất nhỏ. Chính các em cũng chứng kiến cha mẹ vất vả, cũng như nhìn thấy bạn bè phải LĐ. Vì vậy, các em cho rằng mình tự nguyện LĐ chứ không bị cha mẹ bắt ép.
Bán vé số là một trong những hoạt động LĐ điển hình của TE ở TP.HCM. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng các em phải LĐ 7-8 giờ/ ngày. Không ít trẻ phải đi bộ khắp nơi và là đối tượng mà kẻ xấu nhắm đến.
Được đánh giá là an toàn hơn so với LĐ bán vé số, số ít làm tại các tiệm sửa xe, quán ăn hay các hình thức dịch vụ khác nhưng thu nhập trung bình rất thấp, khoảng 60.000 đồng/12 tiếng. Những ngày cuối năm, chủ cơ sở lại bắt ép LĐ làm thêm giờ nhưng không trả thêm tiền. Vì trước đó, hai bên (chủ và LĐTE) không ký hợp đồng LĐ nên nếu không làm, trẻ có thể bị đánh đập, đuổi ra đường vào đêm khuya. Đồng thời, những người chủ còn áp dụng các hình thức phạt hoặc trừ lương một cách tùy tiện.
Bà Yoshimi Nishino, Trưởng Chương trình chính sách xã hội và quản trị UNICEP khẳng định, tất cả những điều này không chỉ thể hiện sự bóc lột sức LĐTE mà trẻ còn phải chịu áp lực tâm lý, tổn thương về lòng tự trọng…
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cảnh báo: Hiện tượng LĐTE đang diễn ra ngày một tăng tại một số địa bàn có dân nhập cư đông. Ngày cận Tết, LĐTE làm việc trong những điều kiện nguy hiểm; trẻ lang thang có nguy cơ bị xâm hại, bị mua bán… là rất cao. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý của các quận, huyện còn hạn chế.
T.An
Bình luận (0)