Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TPHCM xem xét phát phiếu đi chợ cho người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài việc tạm ngưng bán các mặt hàng không thiết yếu, ban quản lý các chợ nghiên cứu phát phiếu vào chợ; phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ, ngày chẵn, lẻ…

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM nhằm đảm bảo việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn và không gây ùn ứ, tập trung đông người, ảnh hưởng hiệu quả triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Công thương TPHCM.

Theo yêu cầu của Sở, các đơn vị quản lý chợ đầu mối rà soát, bố trí khu vực tập trung hàng hóa tạm thời, phân luồng di chuyển đổi với phương tiện, hàng hóa trong trường hợp có các tình huống phải cách ly, cô lập tạm thời một số khu vực trong chợ.

Tình trạng lơ là các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm của tiểu thương và người mua hàng diễn ra khá phổ biến tại các chợ truyền thống của TPHCM

Các đơn vị quản lý chợ cũng được yêu cầu nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ… và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ.

Tại các chợ truyền thống, các khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ được hoạt động, tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ, chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu từ 1,5m trong khi chờ lấy hàng. Các khu vực kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động.

“Ban quản lý chợ thực hiện phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ của chợ để tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính nhằm đảm bảo việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai đối với các tiểu thương việc ghi nhật ký bán hàng để phục vụ công tác cách ly, truy vết khi cần thiết, đảm bảo ghi nhận đầy đủ thông tin tên khách hàng, số điện thoại liên lạc và thời gian giao dịch”, văn bản nêu rõ.

Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ triển khai phương án phân luồng, hướng dẫn di chuyển một chiều, điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ, đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ 1,5m cho người dân khi thực hiện mua sắm.

Đối với các chợ có mật độ người mua sắm đông, tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu thực hiện một số phương án như: phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); phân chia thời điểm bán hàng xen kẽ cho tiểu thương, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ và vị trí… nhằm đảm bảo việc giãn cách theo đúng quy định của Bộ Y tế (nếu cần thiết).

Đối với các chợ không có nhà lồng, Sở đề nghị đơn vị quản lý xem xét đối với các tiểu thương do đơn vị quản lý cần thực hiện việc kẽ vạch, phân rõ khu vực điểm kinh doanh trên cơ sở đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5m cho người dân khi tham gia mua sắm. Trong trường hợp xét thấy không thể đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế, UBND địa phương xem xét tạm ngưng hoạt động đối với các chợ truyền thống không có nhà lồng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trên quầy kệ; nghiên cứu, tăng cường hoạt động và có chính sách khuyến khích mua hàng trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người không cần thiết; bắt buộc nhân viên và khách hàng thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch COVID-19 khi đến tham quan, mua sắm.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đủ, khuyến khích thực hiện vượt số lượng đăng ký đã được phê duyệt; đẩy mạnh phát triển điểm bán, liên kết, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hóa, tăng mật độ điểm bán hàng bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng ổn định, kịp thời, đủ số lượng theo đặt hàng của các hệ thống phân phối, kể cả trong trường hợp thị trường có biến động mạnh. Tăng cường nhân lực, bố trí trực ban, đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời cho hệ thống phân phối khi có yêu cầu đột xuất.

Sở yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện siết chặt và tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế; giữ khoảng cách an toàn giữa người với người tối thiểu 1,5m.

Cơ quan chuyên môn hỗ trợ chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức các chốt kiểm dịch tại chợ; thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên đối với khách đến chợ; phun xịt khử khuẩn cho khuôn viên chợ, đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng di chuyển một chiều cho thương nhân, người lao động và người đến mua hàng tại chợ; xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang, đeo khẩu trang không đúng quy định, không thực hiện khai báo y tế…

Đặc biệt, các đơn vị chức năng tổ chức triển khai, kiên quyết dừng ngay tất cả các hoạt động, điểm kinh doanh, chợ tự phát trên địa bàn; đảm bảo xử lý triệt để, không để xảy ra tình trạng tụ tập, kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối; kiên quyết tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Theo chỉ đạo của Sở Công thương TPHCM, các đơn vị chủ động báo cáo Sở Công thương, đăng ký, bố trí địa điểm và hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường tổ chức các điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn; khuyến cáo người dân không mua tích trữ, gây biến động thị trường; bố trí các điểm bán hàng lưu động phục vụ người dân trong khu vực có các chợ, siêu thị hoặc của hàng thực phẩm bị tạm đóng cửa do phát hiện các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm; không để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

 

 

Bình luận (0)