Hiện nay, học sinh – sinh viên tốt nghiệp TC, CĐ có nguyện vọng học liên thông lên CĐ, ĐH ngày càng nhiều, trong đó phần lớn người học đã tham gia thị trường lao động một thời gian.
Học sinh Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành
Sau 3 năm ra trường và đi làm tại một công ty cơ khí ở tỉnh Bình Dương, Nguyễn Tuấn Vũ (ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã trở lại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đăng ký học liên thông lên ĐH. Nói về lý do quay lại trường cũ đăng ký học liên thông, Vũ cho biết: “Em có nguyện vọng học liên thông lên ĐH ngay từ lúc ra trường nhưng do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Sau khi đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm và dành dụm được một số tiền, em quay lại trường đăng ký học tiếp. Hiện nay em đang tập trung ôn tập để chuẩn bị thi tốt nghiệp ĐH vào năm 2020”. Mới đây, Nguyễn Văn Toàn (cựu sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cũng quay lại trường đăng ký học liên thông lên ĐH sau 3 năm đi làm với mong muốn nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến mà trường đang hợp tác với doanh nghiệp đào tạo. Toàn chia sẻ: “Không phải vì sức học yếu mà vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên em phải chấp nhận đi đường vòng để lấy bằng ĐH, sau khi học xong CĐ và đi làm tích lũy kinh nghiệm chuyên môn”.
Xét trên tổng số học sinh – sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, số người học liên thông rất nhỏ, song theo đánh giá của đại diện một số trường thì đây là một tín hiệu tốt cho thấy nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của người lao động ngày càng nhiều. Theo bà Huỳnh Thu Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12), tỷ lệ học sinh của trường học liên thông lên CĐ chiếm từ 10 đến 15%, tùy năm. Sở dĩ tỷ lệ này tương đối thấp là do học sinh ra trường phải đi làm ngay để san sẻ gánh nặng kinh tế gia đình. Trong khi đó, TS. Lê Đình Kha (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) thông tin, trong năm 2019, trường có 10% trên tổng số sinh viên tốt nghiệp đăng ký học liên thông lên ĐH.
TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết tỷ lệ học sinh – sinh viên của trường đăng ký học liên thông lên CĐ và ĐH ngay sau khi tốt nghiệp không cao vì hầu hết các em đều tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, khoảng 3-5 năm sau, khi công việc đã ổn định và dành dụm được một số tiền, các em quay lại trường học liên thông khoảng 5-10%, tùy năm. Ngược lại, ông Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cho biết trường đào tạo theo mô hình 9+CĐ được hai năm, các em chưa tốt nghiệp nhưng theo khảo sát của trường, 100% học sinh có nguyện vọng học lên ĐH.
“Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản, chính sách tạo điều kiện cho các trường và học sinh – sinh viên học liên thông lên trình độ CĐ, ĐH”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân khẳng định. |
Tương tự, ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức) khẳng định, tỷ lệ học sinh – sinh viên học liên thông lên CĐ, ĐH năm 2019 tại trường khá cao, đến 60%. Theo đó, năm nay trường có 730 học sinh tốt nghiệp thì có 430 em đăng ký học liên thông lên CĐ tại trường. Trong số 8 ngành nghề trường đang đào tạo đều có học sinh – sinh viên đăng ký học liên thông lên CĐ và ĐH, tập trung nhiều nhất ở các ngành nghề: điện lạnh, thiết kế đồ họa, điện công nghiệp, điện tử, cắt gọt kim loại… “Có lớp liên thông ban ngày và buổi tối cho học sinh – sinh viên nhằm tạo điều kiện để các em vừa làm vừa học. Theo đó, nếu đăng ký học suốt tuần thì chỉ hơn một năm là các em có thể tốt nghiệp”, ông Cường cho biết.
Nhằm động viên, khuyến khích học sinh học liên thông, trong buổi lễ tốt nghiệp tổ chức vào cuối tháng 10-2019, lãnh đạo Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương và các doanh nghiệp đã trao tặng nhiều suất học bổng cho học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc để học liên thông lên CĐ. Theo bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng nhà trường), những suất học bổng từ doanh nghiệp mà trường hợp tác là cơ hội để các em có điều kiện học lên cao, nâng cao tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ghi nhận tại các trường, phần lớn học sinh – sinh viên học liên thông lên CĐ, ĐH tập trung vào các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 2019, Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM tuyển sinh liên thông CĐ hệ chính quy (thời gian đào tạo một năm) học vào các buổi tối trong tuần với 14 ngành, trong đó có 11 ngành liên quan đến công nghệ kỹ thuật, cơ khí, điện… Ngoài ra, trong năm nay trường còn có chương trình chuyển tiếp liên thông CĐ hệ chính quy các khóa TCCN 9+3 và TC nghề 9+3 (tức đã được công nhận tốt nghiệp TCCN hoặc TC nghề tại trường) với chương trình đào tạo như chương trình đào tạo CĐ chính quy. Hay như Trường CĐ Kinh tế TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh chương trình liên thông ĐH đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân khẳng định, bộ đã có nhiều văn bản, chính sách tạo điều kiện cho các trường và học sinh – sinh viên học liên thông lên trình độ CĐ, ĐH. Nếu không thể học chương trình 9+CĐ thì các em có thể chọn học TC, sau đó liên thông lên CĐ, ĐH nếu có nguyện vọng.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)