Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Gập ghềnh con chữ ở Ma Nới

Tạp Chí Giáo Dục

Ma Nới là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận). Cuộc sống của người dân ở Ma Nới, đặc biệt là thôn Tà Nôi vẫn còn không ít khó khăn. Đường đến trường của HS nơi đây vì thế mà cũng gập ghềnh hơn.

Những đứa trẻ người Raglai ở xã Ma Nới

7km đi mất 2 giờ đồng hồ

Ma Nới có 6 thôn với hơn 3.600 khẩu, trên 95% dân số ở xã là đồng bào Raglai. Hiện nay, vì nằm xa xôi, cách biệt khu trung tâm nên Ma Nới vẫn giữ nguyên bản sắc hoang sơ đậm chất núi rừng. Trong 6 thôn của xã Ma Nới, thôn Tà Nôi là nơi đặc biệt khó khăn với phân nửa hộ nghèo, quanh năm đói ăn khi mùa giáp hạt. Với địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, Tà Nôi gần như biệt lập với các thôn khác của xã Ma Nới. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, tuyến đường đi đến thôn Tà Nôi, xã Ma Nới càng khó khăn hơn. Vì kinh tế, nhiều người dân ở Ma Nới đã “liều mạng” băng qua hệ thống bờ tràn trên dòng suối của địa phương để đi làm rẫy mặc cho dòng nước lũ tràn về dữ dội, chảy xiết. Nguy hiểm hơn là hằng ngày có đến cả trăm HS tiểu học đến trường cũng qua khu vực này. Có những ngày trong tình hình “nội bất xuất, ngoại bất nhập” như thế nhưng các thầy cô giáo ở đây vẫn băng rừng, vượt suối để đưa con chữ đến với HS ở vùng núi cao này.

“Hiện nay, Trường Tiểu học Ma Nới có 477 HS, trong đó đã có 475 HS là người Raglai. Đời sống kinh tế khó khăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn mong con mình được đến trường. Tỉ lệ HS bỏ học mỗi năm khoảng 10%. Sau Tết là mùa giáp hạt, nhiều thầy cô phải ngậm ngùi rơi nước mắt khi các em bỏ học để lên rẫy phụ giúp gia đình vì cuộc sống quá khó khăn”, thầy Cao Trọng Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ma Nới cho biết.

Phải mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua đoạn đường từ trung tâm xã Ma Nới về Tà Nôi chỉ dài 7km. Đến Tà Nôi và tận mắt chứng kiến hành trình đến trường của HS Tà Nôi mới cảm nhận được phần nào những khó khăn trên con đường tìm kiếm con chữ của các em. Để kịp giờ học, nhiều em phải bắt đầu rời khỏi nhà lúc 4 giờ sáng, băng qua nhiều cánh rừng, con suối mới đến được trường. Cứ thế, nhiều năm qua, con cháu nhiều gia đình người Raglai vẫn nhọc nhằn lội bộ đi học cái chữ ở xã Ma Nới. Sinh ra và lớn lên ở Tà Nôi, em Bộ Alê Thị Hoan, sinh viên năm 4 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thấu hiểu hơn hết nỗi khó khăn nhọc nhằn của những đứa trẻ Raglai. Tháng 12, Bộ Alê Thị Hoan về thăm nhà trong một chuyến đi thực tế cùng lớp ĐH nhưng em đành dừng chân ở trung tâm xã Ma Nới mà không thể về Tà Nôi được vì đường sá bị chia cắt. “Tà Nôi chỉ có một trường tiểu học khi lên cấp 2, HS Tà Nôi phải nhọc nhằn lội bộ đạp xe 8km đi học để được học cái chữ như các bạn cùng lứa ở trường xã. Nhiều lúc để kịp giờ học, cứ 4 giờ sáng khi trời còn tối mịt mù, các em nhỏ phải thức dậy sớm gọi nhau đến trường cho kịp giờ. Em ước mong sau khi ra trường có thể trở về địa phương làm việc để có thể đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình cho quê hương”, Bộ Alê Thị Hoan chia sẻ.

Ước mơ về một con đường “tử tế”

Ai một lần đến với Ma Nới và đi sâu vào thôn Tà Nôi mới cảm nhận được con đường đến trường của HS nơi đây khó khăn đến nhường nào. Thôn Tà Nôi có khoảng 139 hộ dân tộc Raglai, nhưng có đến gần 81 hộ nghèo. Dẫu cuộc sống cơ cực nhưng hầu hết phụ huynh đều mong muốn con em mình đến trường để học cái chữ. Vì vậy, các thầy cô giáo ở đây như có thêm niềm tin, nghị lực để tiếp tục hành trình gieo chữ cho các em. Gian nan, vất vả là thế, nhưng với tình thương dành cho HS và lòng yêu nghề, các thầy, cô giáo ở đây vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc khi mỗi ngày đến lớp nhìn thấy sĩ số lớp đông đủ.

“Hiện nay, Trường Tiểu học Ma Nới có 477 HS, trong đó đã có 475 HS là người Raglai. Đời sống kinh tế khó khăn nhưng nhiều phụ huynh vẫn mong con mình được đến trường. Tỉ lệ HS bỏ học mỗi năm khoảng 10%. Sau Tết là mùa giáp hạt, nhiều thầy cô phải ngậm ngùi rơi nước mắt khi các em bỏ học để lên rẫy phụ giúp gia đình vì cuộc sống quá khó khăn”, thầy Cao Trọng Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ma Nới cho biết.

Một con đường “tử tế” nối trung tâm xã Ma Nới với Tà Nôi để giao thông thuận lợi, việc giao lưu, mua bán hàng hóa dễ dàng hơn là mong ước lớn của người dân nơi đây hiện nay. Đường sá thuận lợi cũng đồng nghĩa với con đường đến trường của các em nhỏ sẽ bớt gập ghềnh. Những ngày cuối năm, con đường từ xã Ma Nới vào Tà Nôi vẫn còn khó đi lại bởi hậu quả cơn mưa lũ vừa qua. Sau giờ học, những đứa trẻ ở Ma Nới vẫn hồn nhiên trong bộ quần áo cũ kỹ, sờn rách phụ giúp gia đình làm rẫy, chăn gia súc…

Bài, ảnh: Yên Hà

Bình luận (0)