Sau hơn 2 tháng, do ảnh hưởng từ công trình xây dựng nhà ở lân cận khiến điểm trường Tiểu học Trần Cao Vân tại số 213 Lê Duẩn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) bị ảnh hưởng, đe dọa an toàn các hoạt động của thầy trò. Nhà trường đã di dời 14 lớp sang cơ sở chính để đảm bảo an toàn. Theo đó, học sinh (HS) bị cắt các tiết học kỹ năng ở trường…
Cơ sở 1 của Trường Tiểu học Trần Cao Vân buộc phải di dời học sinh để đảm bảo an toàn
Công trình xây dựng nhà ở tư nhân tại số nhà 217 – 219 Lê Duẩn (P.Tân Chính, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) do bà Trần Thị Tuyết làm chủ đầu tư. Ngày 10-10, nhà 215 Lê Duẩn (cạnh Trường Tiểu học Trần Cao Vân) bị sụt lún, nghiêng. Ngày 13-10, UBND P.Tân Chính chủ trì họp với các bên liên quan. Để đảm bảo an toàn, cơ sở 1 của Trường Tiểu học Trần Cao Vân và Trường Mầm non Việt Nhật đã chuyển HS sang cơ sở khác trong ngày 13 và 14-10. Chính quyền cũng yêu cầu toàn bộ người thuê, kinh doanh sinh sống tại các ngôi nhà liền kề khẩn trương di dời.
Thầy Nguyễn Việt Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Cao Vân – cho biết, từ ngày 14-10, tất cả HS 14 lớp học tại cơ sở 1 của trường ở địa điểm 213 Lê Duẩn phải chuyển sang học ở cơ sở chính tại 16 Hoàng Hoa Thám. Trước đó, đã có HS của 4 lớp khối 3 và 3 phòng học bộ môn được dời về cơ sở chính để phong tỏa toàn bộ dãy nhà 3 tầng phía Tây của cơ sở 1. Nguyên nhân là do công trình xây dựng ở số 217 – 219 Lê Duẩn đào sâu xuống đất để thi công phần móng xây tầng hầm. Việc đào đất quá sâu phần móng kế bên khu vực nhà trường đã làm cho một đoạn tường rào của trường (khoảng 7m) có hiện tượng lún, nứt; phần nền và cống thoát nước bị sụp. Căn nhà 4 tầng ở số 215 Lê Duẩn nằm kế bên dãy nhà 3 tầng phía Tây của cơ sở 1 Trường Tiểu học Trần Cao Vân có hiện tượng nghiêng, có nguy cơ bị đổ sập rất cao.
Việc di dời HS về địa điểm chính gây ra tình trạng thiếu phòng học. Nhà trường phải bố trí khối lớp 3,4 và 5 học 1 buổi/ngày.
Thầy Hùng cho biết: “Đối với HS 3 khối lớp từ 3 đến 5, các tiết tăng cường sẽ không có trong thời khóa biểu vì chỉ còn 1 buổi học. HS sẽ phải tự giải quyết bài tập ở nhà”.
Ban đầu, việc dồn HS sang điểm trường chính dự kiến diễn ra từ 1-2 tuần trong khi chờ kết quả giám định, đánh giá hiện trạng và mức độ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cho đến nay, các em HS vẫn đang phải học 1 buổi/ngày.
Việc không được học 2 buổi/ngày, không chỉ thiệt thòi cho HS so với các bạn cùng trang lứa ở các trường khác mà còn khiến phụ huynh đau đầu vì sắp xếp thời gian đưa đón, giữ con ở nhà, hướng dẫn con làm bài tập. Đồng thời nhà trường cũng căng mình khi tổ chức dạy – học lệch giờ. HS khối 1, 2 học 2 buổi/ngày nên thời gian vào học muộn hơn, ra về sớm hơn 30 phút. Trong khi đó, HS học 1 buổi/ngày vào học sớm hơn, khi HS lớp 1, 2 kết thúc giờ học buổi sáng thì các lớp khác vẫn đang trong giờ học.
Theo ông Hùng, nhà trường đã tính đến phương án thuê mướn địa điểm mới. Nhà trường đã liên hệ với một số địa điểm để thuê mướn, tổ chức dạy học, tuy nhiên địa điểm tìm được khá xa trường, mất khoảng 15 phút di chuyển bằng xe máy. Sau khi sắp xếp thời gian biểu, họp phụ huynh lấy ý kiến, nhà trường và phụ huynh thống nhất vẫn duy trì việc dạy học như cũ. Như vậy từ nay đến khi các cơ quan chức năng liên quan và chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở kế cận xử lý để đảm bảo an toàn thì HS vẫn chịu thiệt thòi học 1 buổi/ngày như 2 tháng qua.
“Dự kiến sớm nhất đến cuối tháng 12 này và cũng có thể dài hơn đến hết tháng 1-2021, HS mới có thể trở lại cơ sở 1 để học 2 buổi/ngày”, ông Hùng cho biết.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Bình luận (0)