Phấn đấu để có học vị cao tương xứng với năng lực, trình độ và cương vị công tác là điều ai cũng mong muốn. Hiện nay đạt được học vị, học hàm như tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư quả là không hề dễ dàng. Với tiến sĩ cần phải tu nghiệp thường từ 2-4 năm (với những người có bằng thạc sĩ) và 3-4 năm (đi thẳng từ cử nhân). Tất nhiên, với mỗi sản phẩm khoa học của học vị tiến sĩ đều được hội đồng đánh giá là có “cái mới” của luận án. Còn phó giáo sư và giáo sư thì tiêu chí còn cao hơn rất nhiều. Song, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế rằng, đối với những ngành khoa học tự nhiên thì những sản phẩm khoa học của họ thường có giá trị thực tiễn cao. Bởi kết quả thường được định lượng một cách rõ ràng, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, một số nghiên cứu sinh có thể công bố những công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Còn đối với các ngành khoa học xã hội thì cũng cần phải xem xét lại một số khâu trong quá trình đào tạo tiến sĩ. Đó chính là ngay từ khâu đầu tiên, cần phải tuyển chọn những người có khả năng nghiên cứu (bao gồm trình độ hiểu biết chuyên ngành, trình độ ngoại ngữ, tin học, năng lực sáng tạo…) để tránh hiện tượng tuyển chọn theo số lượng rồi cứ đến năm đến tháng thì cũng có “sản phẩm”. Rồi tiếp theo là việc chọn tên đề tài nghiên cứu cũng cần được coi trọng, có những đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao nhưng cũng có đề tài tính cấp thiết không nhiều mà vẫn được chọn để dễ tiến hành. Tất nhiên, những luận án thuộc ngành khoa học xã hội thường khó định lượng và việc ứng dụng nó cũng khó cụ thể hóa. Chẳng hạn, một số đề tài lý luận có giá trị nhưng vẫn phải bỏ vào tủ vì nó có giá trị trong nhiều năm tới, một số đề tài trùng đối tượng nghiên cứu và chỉ khác khách thể… dẫn đến ít có giá trị. Do vậy, có thể nói trong quy trình đào tạo học vị từ thạc sĩ đến tiến sĩ cũng như quy trình, tiêu chuẩn xét chức danh phó giáo sư, giáo sư cũng cần phải nhìn nhận lại khách quan cái được và cái còn hạn chế, từ đó mà có những biện pháp cụ thể nhằm không ngừng nâng cao đội ngũ trí thức chất lượng cao.
Đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư là nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia. Vì thế, chúng ta càng phải quan tâm để nâng cao chất lượng, phải gắn trí tuệ với năng lực thực tế, đó là cái rất cần thiết để phục vụ cho đất nước hiện nay.
Hoàng Lan
Bình luận (0)