Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dễ bỏ lọt tội phạm xâm hại trẻ em do thiếu chứng cứ

Tạp Chí Giáo Dục

Việc xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em đang gặp trở ngại do thiếu chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ pháp y.

Đầu tháng 12-2016, Công an P.11, Q.Gò Vấp (TP.HCM) tiếp nhận đơn tố cáo của bà T.M. tố cáo hành vi chồng cũ xâm hại con gái riêng của bà là bé N.K. (12 tuổi).

Khó thu thập chứng cứ

Theo lời bà M., năm 2012 bà kết hôn với ông L.A., ở chung nhà với 2 con riêng của bà M.. Sau khi ly hôn ông A., bà M. được cháu K. kể lại trong thời gian chung sống với bà, ông A. đã xâm hại cháu nhiều lần và uy hiếp nếu cháu nói ra chuyện này thì sẽ đánh bà M.

Vì lo sợ mẹ bị đánh nên cháu K. đã không nói với ai, chịu đựng sự xâm hại trong thời gian dài. Quá phẫn nộ với hành vi đồi bại của chồng cũ, bà M. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ trẻ em TP.HCM, cho biết khi tiếp nhận vụ việc của bà M., chi hội đã phối hợp đưa cháu K. đi bệnh viện khám và hướng dẫn gia đình cháu K. các hồ sơ, thủ tục cần thiết để tố cáo và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo luật sư Lê Trung Phát, cơ quan chuyên môn sẽ xét nghiệm ADN trong trường hợp nạn nhân có thai, giám định tỉ lệ thương tật trong trường hợp gây tổn hại sức khỏe… Ngoài ra, các cơ quan điều tra có thể khởi tố dựa trên lời khai của bị hại hoặc người làm chứng.

Vì thế tùy từng hành vi nằm trong nhóm các tội có khả năng bị truy tố nêu trên mà cơ quan điều tra phải tiến hành hoạt động điều tra.

Tuy nhiên theo luật sư Nữ, khó khăn nhất trong vụ việc này là công tác thu thập chứng cứ vì sự việc xảy ra đã khá lâu. Luật sư Nữ phân tích trong những vụ việc mà chi hội tiếp nhận 2 năm qua, có 40% vụ không thể xử lý, phải trả hồ sơ vì không đủ chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ pháp y.

Rất ít trường hợp bắt quả tang việc xâm hại hoặc liền sau khi bị xâm hại. Thời điểm giám định luôn xảy ra sau thời điểm phạm tội nhiều ngày nên các dấu vết để lại không còn.

Giám định khẩn cấp

Theo luật gia Phạm Văn Chung, để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại tình dục hay không là rất khó vì không chỉ liên quan đến hành vi phạm tội mà còn cả tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan đến vụ án.

Đôi khi vì lý do tế nhị mà bị hại, người thân của họ cố tình che giấu hoặc khai báo không đúng sự thật gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Trong khi đó, việc xác định tội phạm phải được lý giải bằng khoa học, chứng cứ. Thiếu chứng cứ pháp y coi như vụ án xâm hại tình dục trẻ em sẽ đi vào bế tắc, dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

Theo ông Chung, để xử lý tội phạm về xâm hại trẻ em, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức giám định để thu thập chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ; thường xuyên trao đổi, thống nhất về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án.

Một kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đặt vấn đề hiện nay trình độ đội ngũ làm công tác giám định kỹ thuật hình sự không đồng đều, thiếu các giám định viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm để thực hiện các vụ giám định liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục.

Do đó công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên cũng là một “lối ra” trong việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục.

Bàn về giải pháp thu thập chứng cứ pháp lý, luật sư Nữ kiến nghị cơ quan chức năng cần có quy định về giám định khẩn cấp trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em để đảm bảo công tác điều tra phát hiện chứng cứ.

Đồng thời, cần nghiên cứu để có quy định rõ ràng về mức độ tổn thất tinh thần đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục để có cơ sở cho việc đền bù khắc phục hậu quả.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng luật sư cần được tham gia từ giai đoạn đầu của các vụ án trẻ em bị xâm hại tình dục để đảm bảo tính khách quan và thu thập chứng cứ đầy đủ.

Cơ quan điều tra cần đào tạo điều tra viên chuyên điều tra các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em và phải có trình tự thủ tục riêng cho các loại án này. Luật trợ giúp pháp lý cần đưa trẻ em bị xâm hại tình dục là đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Giữ nguyên chứng cứ, báo công an

Theo quy định của Bộ luật hình sự, tùy vào độ tuổi và hành vi cụ thể của người xâm hại, hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh như tội hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô đối với trẻ em.

Người phạm tội có thể chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội hiếp dâm trẻ em.

Các chuyên gia pháp lý khuyến cáo khi trẻ em bị xâm hại, người thân cần bình tĩnh tìm kiếm, giữ nguyên các chứng cứ (nếu có), sau đó cần nhanh chóng làm đơn tố giác hành vi phạm tội lên cơ quan công an để yêu cầu điều tra làm rõ.

Trường hợp nếu hành vi vừa xảy ra, gia đình người bị hại cần đề nghị cơ quan công an có văn bản yêu cầu trưng cầu giám định sức khỏe để có kết luận liên quan đến hành vi xâm hại tình dục.

Đối với những ai thấy hoặc biết được hành vi, cần sớm thông báo với người nhà bị hại để trực tiếp hoặc cùng với người nhà bị hại làm đơn tố giác hành vi này.

Luật sư Nữ đề xuất cần có cơ chế để các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN được tham gia giám sát các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục mà không tìm ra thủ phạm.

Khi phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, người dân có thể liên hệ đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM (18009069), Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM (1900545559), đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em (18001567) để được hướng dẫn, trợ giúp pháp lý kịp thời.

YẾN TRINH (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)