“Là giáo viên đã cần đến sự mẫu mực nhưng là đảng viên giáo viên, sự mẫu mực còn phải đi cùng với sự tiên phong, vững chuyên môn, bền tư tưởng, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng đến gần với phụ huynh, học sinh qua chính công việc giảng dạy của mình”, thầy Trần Quốc Long Xuyên (đảng viên giáo viên, Trường TH Trần Hưng Đạo, Q.1) bày tỏ.
Đảng viên trẻ tuổi Trường THCS Hà Huy Tập đọc lời thề trước Đảng
Nhiều năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, với thầy Xuyên, một đảng viên giáo viên phải luôn biết tự phê bình và phê bình, để sau quá trình phê bình, tự phê bình sẽ nâng cao sức chiến đấu của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức Đảng. Đây cũng là thách thức đặt ra trong bối cảnh 4.0, với rất nhiều cám dỗ từ không gian ảo.
Phê bình, tự phê bình trước học sinh
Trong mỗi đơn vị trường học, vai trò của Chi bộ nhà trường được thể hiện trên nhiều mặt nhưng phát huy tính Đảng trong quần chúng thì thể hiện rõ nét qua 2 mặt: Tổ chức và cá nhân. Trong tổ chức, thể hiện ở các mặt như chuyên môn, nhân sự, các mối quan hệ trong nhà trường như nhà trường với phụ huynh, đặc biệt là nhà trường với địa phương, cộng đồng, thông qua các văn bản, nghị quyết… Ở cá nhân, mỗi đảng viên đóng vai trò quan trọng, làm sao phát huy được tính ưu tú trong công việc, luôn xung kích, đi đầu, luôn sâu sát, nắm bắt được tư tưởng, nguyện vọng của quần chúng từ đó có hướng can thiệp…
Thầy Xuyên nhận định, trong môi trường học đường, mỗi đảng viên giáo viên phải luôn rèn luyện, điều chỉnh bản thân, là tấm gương sáng để đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh, nhân dân nhìn vào. “Vai trò của đảng viên trong trường học phải nói là vừa nặng, vừa nhẹ. Giáo viên là đối tượng có trình độ, để thầy cô theo, thầy cô hiểu những văn bản, nghị quyết của Đảng thì công tác nêu gương, dân vận của người đảng viên giáo viên là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là cách thức lãnh đạo của người đứng đầu nhà trường để giáo viên hiểu. Từ việc hiểu sẽ quán triệt tốt, tác động đến giáo dục học sinh, tạo ra thế hệ học sinh có kiến thức, hoài bão, có lý tưởng, sống có ích, biết yêu nước giúp đỡ những người xung quanh… Cạnh đó sẽ còn là cách thức giao tiếp với phụ huynh luôn gần gũi, chừng mực, giữ được bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng…”.
Tính phê bình và tự phê bình của mỗi đảng viên giáo viên, theo thầy Xuyên không chỉ là thể hiện trong chuyên môn, đánh giá với đồng nghiệp, với tổ chức mà còn thể hiện ngay trong từng bài giảng với học sinh, bài học về sự trung thực. “Với học sinh tiểu học, đó chính là thái độ để biến thành nhận thức. Càng nhỏ tuổi, các em càng dễ ghi nhận và chịu tác động bởi thái độ của thầy cô. Vì thế, có thể trong cuộc sống sẽ có những khó khăn nhưng khi đã bước vào lớp học, đối diện với học trò thì mỗi thầy cô giáo, mỗi đảng viên giáo viên phải đặt để những tâm tư đó bên ngoài, để luôn là điểm sáng cho học sinh, tạo ra những giờ học sáng tạo, lôi cuốn trang bị cả kiến thức, kỹ năng cho học sinh, nhất là trong thời 4.0”…
Trẻ hóa đảng viên
Xu hướng trẻ hóa đảng viên trong các chi bộ trường học đang ngày càng được nhân rộng. Xu hướng này không chỉ phát huy được tinh thần xung kích, tính chiến đấu, đi đầu của người đảng viên mà còn trở thành kênh kết nối, lan tỏa, xây dựng đội ngũ “chất lượng cao” trong chuyên môn.
Tại Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1), mục tiêu trẻ hóa đội ngũ đảng viên được đặt ra là đảng viên dưới 40 tuổi sẽ chiếm 1/2, trong đó một nửa là trong độ tuổi từ 22 đến 30 tuổi, kế hoạch từ năm 2020-2025 trong kỳ Đại hội Chi bộ mới đây đã đặt ra quyết tâm hoàn thành kế hoạch trong 3 năm, nâng tổng số đảng viên đạt 25%. Với mục tiêu này, Chi bộ nhà trường luôn tạo điều kiện để giáo viên trẻ phấn đấu, rèn luyện từ chuyên môn đến nghiệp vụ lý luận chính trị thông qua các sân chơi chuyên môn, các cuộc thi, chọn lọc ra những hạt nhân tiêu biểu.
Tại Trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh), số giáo viên trẻ dưới 40 tuổi chiếm đến hơn 50% tổng số giáo viên toàn trường. Đây được xem như thế mạnh của trường, mục tiêu trẻ hóa đội ngũ đảng viên cũng được Chi bộ nhà trường quan tâm đẩy mạnh.
Mới đây, để tiến tới Đại hội Chi bộ, Chi bộ trường đã tổ chức kết nạp 2 đảng viên giáo viên trẻ (sinh năm 1993), nâng tổng số đảng viên trong Chi bộ nhà trường lên 28 đảng viên. Cô Hứa Thị Diễm Trâm (Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, việc kết nạp đảng viên trẻ nhằm ghi nhận sự nỗ lực của các giáo viên trẻ, từ đó “đem làn gió mới” vào trong Chi bộ về sự nhiệt huyết, cống hiến, phát huy sức trẻ trong việc tiên phong, đi đầu.
Là một trong hai đảng viên trẻ vừa được đứng vào hàng ngũ của Đảng, cô Trịnh Thị Việt Kiều (giáo viên công nghệ, Trường THCS Hà Huy Tập) bày tỏ, bản thân vào Đảng trước hết là tinh thần tự nguyện, mong muốn được cống hiến hết sức mình vì học sinh, nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách của Nhà nước. “Trước đây, chỉ nghĩ đơn giản công việc của một giáo viên là hoàn thành tốt công tác chuyên môn nhưng khi bước vào Đảng nhận thấy rằng như thế vẫn còn chưa đủ. Một người giáo viên còn cần cả lý tưởng để giáo dục học trò trở thành những công dân có kiến thức và sống có ích, yêu nước”.
Từ việc nhận thức, giác ngộ đúng đắn của người đảng viên giáo viên trẻ, cô Kiều cho rằng thầy cô sẽ có cách để “dạy cho học sinh biết Đảng Cộng sản Việt Nam là gì, yêu nước là như thế nào, Tổ quốc, quê hương thiêng liêng ra sao…”. “Những bài học đó, mỗi giáo viên đều có trách nhiệm dạy học sinh. Nhưng đảng viên giáo viên sẽ có cách để bài giảng đi vào thực tế, để học sinh, phụ huynh thấy Đảng rất gần, từ những việc làm thiết thực trong các mối quan hệ, cư xử với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp…”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)