Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rèn tư duy học sinh qua tục ngữ

Tạp Chí Giáo Dục

Tục ngữ là những câu ngắn gọn, thường có vần điệu, có nội dung đúc kết kinh nghiệm sống, lao động – sản xuất, tri thức, đạo đức, các vấn đề thực tiễn… của nhân dân, được truyền từ đời này qua đời khác.

Học sinh tiểu học đang luyện từ và câu (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

Học tục ngữ nói riêng và các hình thức văn học dân gian nói chung còn để làm giàu thêm vốn tiếng Việt, có thể diễn đạt được ý mình một cách súc tích, hình tượng, rất thiết thực trong cả học văn và giao tiếp.

1. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam, có không ít câu mang những tầng nghĩa khác nhau, ở những góc khác nhau. Do đó, học các câu tục ngữ chính là rèn tư duy linh hoạt, học cách vận dụng sáng tạo, thậm chí có trường hợp phản biện, bởi không được “đóng khung” ở một tầng nghĩa nào cả.

Thí dụ, câu “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” có thể hiểu như thế nào? Rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nội dung phê phán một hạng người chỉ biết, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, lúc hướng đến cái gì có lợi thì tranh đến trước, lúc gặp khó khăn thì đi sau để cho người khác phải dò dẫm hoặc phải đương đầu với thử thách. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng người lớn có nên dạy trẻ chỉ ở tầng nghĩa đó? Thực tế câu này còn mang một kinh nghiệm sống, có thể nói là rất có ích. Đó là người khôn ngoan phải biết tùy cơ ứng biến, lúc gặp điều kiện thuận lợi thì phải tranh lấy, chớp thời cơ nhằm giành được lợi ích nhiều nhất, lúc khó khăn hoặc gặp phải thì không nên chủ động đi đầu, tránh chịu thiệt về mình. Điều này gắn với một kinh nghiệm khác của cha ông là “trâu chậm uống nước đục”, bởi nếu không biết nhanh chân trong trường hợp cần thiết thì sẽ không giành được ưu thế.

Hay câu “Ăn cây nào rào cây ấy” cũng có hai tầng nghĩa. Tầng nghĩa thường dùng thể hiện sự chọn lựa, tập trung cần thiết của con người khi làm việc gì đó gắn với lợi ích cụ thể của mình. Ý này hẳn là tích cực, bởi ta không thể chú tâm làm những việc mà thực ra không liên quan đến lợi ích của mình hoặc ta cũng không thể lơ là những việc mà chính nó đem lại lợi ích cho ta. Ví như ta phải lo coi sóc vườn nhãn đang cho trái nhiều hơn là chăm chút vườn dừa còn nhiều năm nữa mới có buồng. Cho nên, người ta mới phê phán những kẻ “ăn cây táo, rào cây sung”, bởi làm việc không có ích, thừa thãi, sai lầm, không đúng mục đích. Tầng nghĩa thứ hai của câu này lại mang ý tiêu cực, đó là phê phán những người chỉ quan tâm mỗi chuyện có lợi riêng của mình mà không nghĩ đến những điều khác, lợi ích của người khác, tức là thiếu ý thức, trách nhiệm cộng đồng, xã hội.

Tương tự như vậy là những câu như: “Ai có thân nấy lo, ai có bò nấy giữ”, “Ăn cơm với cáy thì ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”, “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Trăm hay không bằng tay quen”, “Anh em trong nhà, đóng cửa dạy nhau”, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”… Những câu này có một nghĩa thường dùng và một nghĩa ít được dùng hơn nhưng cũng có thể vận dụng linh hoạt hoặc từ đó mà ta dùng để phản biện một vấn đề nào đó. Ngay như câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ta thường dùng để đề cao chất lượng (nội dung) hơn hình thức, vẻ bề ngoài, nhưng không phải luôn luôn đúng, bởi trong một số trường hợp, chính qua vẻ bề ngoài, qua hình thức mới làm người ta biết đến chất lượng bên trong, biết đến hình thức, bởi cái tốt khi ẩn bên trong sẽ khó được nhìn thấy.

2. Học môn tiếng Việt hay ngữ văn, giáo viên nên quan tâm nhiều đến việc tạo điều kiện để học sinh tìm hiểu về ca dao, tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ… Trong đó, với tính chất đúc kết kinh nghiệm sống, nếu được dùng đúng hoàn cảnh, tính chất, tục ngữ không chỉ dùng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà còn phản ánh tư duy của cả người sử dụng. Trong những trường hợp mà tục ngữ có những tầng nghĩa khác nhau, giáo viên cũng nên hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, có minh họa phù hợp để học sinh hiểu đúng và sử dụng đúng; đồng thời qua đó nâng cao tư duy về tính toàn diện, tính phản biện, chứ không phải chỉ hiểu một chiều hoặc hiểu một góc. Ngay cả câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim” gần như ai cũng hiểu rằng đó là lời khuyên con người phải kiên trì, nhẫn nại, chịu khó thì phía sau đó cũng nên để trẻ thấy rằng, nếu sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó đó mà không hướng đến một mục tiêu tích cực, cụ thể, hợp lý, thiết thực thì điều đó sẽ trở thành “công dã tràng”.

Để học sinh nghe thường xuyên và dần thấm sâu, giáo viên có thể dùng nhiều tục ngữ khi diễn tả những ý nào đó, ra đề thi phân tích, bình luận về những câu tục ngữ hay, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các trò chơi… Bản thân giáo viên cũng phải tìm hiểu, trau dồi về văn học dân gian nói chung và tục ngữ nói riêng để dùng cho chính xác và đúng hoàn cảnh, cũng như có thể giải thích được nghĩa của các câu đó…

ThS. Nguyễn Minh Hải

Bình luận (0)