Để không chán nghề và kéo học sinh về với môn học, một nhóm giáo viên giảng dạy môn địa lý tại TP.HCM và nhiều tỉnh/thành trên cả nước đã thành lập nhóm “Những giáo viên địa lý trẻ trung, yêu nghề”. Không chỉ “dìu nhau” đi qua những khó khăn của nghề, các thầy cô còn chia sẻ nhiều phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, đưa môn học đi vào lòng học sinh.
Các giáo viên môn địa lý tham gia buổi gặp gỡ tại Trường THPT Nguyễn Khuyến
Một ngày cuối tuần, tại một lớp học của Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) đã diễn ra buổi offline (gặp gỡ – PV) lần thứ 6 của nhóm “Những giáo viên địa lý trẻ trung, yêu nghề”. Buổi gặp gỡ có sự tham gia của gần 30 giáo viên THCS, THPT tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là buổi sinh hoạt mà như cách gọi của các thầy cô là “cởi ra cho hết tấm lòng”.
Mang câu chuyện “nhiều học sinh không quan tâm đến môn học” đến buổi gặp gỡ, cô Trần Thị Duyên (giáo viên môn địa lý Trường THCS – THPT Phan Châu Trinh, Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ học sinh đa phần còn mang tâm lý coi địa lý là môn phụ, có học cũng… chẳng để làm gì. “Việc học sinh ngồi học môn mình mà mang môn khác ra làm là điều hay gặp, nhất là với những học sinh cuối cấp”, cô Duyên bày tỏ. Đây cũng là vấn đề mà cô Nguyễn Thị Mai Hương (giáo viên môn địa lý Trường THPT Ngô Gia Tự, Q.8, TP.HCM) băn khoăn. Theo cô Hương, chính tâm lý hờ hững này của học sinh là một trong những nguyên nhân khiến các giáo viên trẻ như cô đôi khi cảm thấy chán nghề. Đó là chưa kể đến những áp lực, rào cản khác mà giáo viên bộ môn gặp phải.
Từ Bà Rịa – Vũng Tàu, vượt hơn 100km đến TP.HCM, câu chuyện được cô Hoàng Thị Hà (giáo viên môn địa lý ở một trường THPT tại TP.Vũng Tàu) chia sẻ là các khó khăn khi triển khai, áp dụng những phương pháp dạy học tích cực cho học sinh vào môn học. “Mang những phương pháp mới vào môn học, điều thu được là khiến học sinh thích thú nhưng liệu có làm các em hổng về mặt kiến thức, không thể đáp ứng được mục tiêu của các kỳ thi. Hơn nữa, nhiều khi tổ chức những phương pháp dạy học tích cực sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng đến các lớp xung quanh…”, cô Hà trăn trở.
Từ những băn khoăn, trăn trở ấy, các thầy cô đã cùng nhau ngồi lại gỡ rối và giải đáp. Đó là việc mỗi giáo viên cần thiết phải có ý thức, trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực bản thân như chủ động tìm kiếm, tham gia vào các lớp học tích cực, tương tác nhiều hơn với đồng nghiệp để có thêm kinh nghiệm và kiến thức; giáo viên phải đổi mới bản thân từ tư duy cho đến hành động, làm sao tạo ra được sự độc đáo để thu hút học sinh… “Đổi mới trong tư duy chính là việc giáo viên đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, chuyển từ kiểm tra kiến thức sang kiểm tra năng lực người học. Đồng thời còn là đổi mới trong phương pháp giảng dạy, đơn cử như xây dựng giáo án hiệu quả mà ở đó lấy học sinh làm trung tâm. Hay đổi mới từ chính các bước lên lớp, thay vì truyền thống thì sẽ là học tập trải nghiệm, thậm chí là thay đổi ở khâu vào bài sao cho hấp dẫn, làm mới cách kiểm tra bài cũ bằng các trò chơi…”, thầy Nguyễn Chí Tuấn (giáo viên môn địa lý Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TP.HCM) đúc kết. Nhưng trên hết, đằng sau những câu chuyện nghề, mỗi giáo viên còn tìm thấy ở nhau sự đồng cảm, những lời động viên vượt qua các khó khăn để “vì học sinh”, “vì nghề trồng người mà mình đã chọn”.
Được biết, nhóm “Những giáo viên địa lý trẻ trung, yêu nghề” được thầy Nguyễn Chí Tuấn sáng lập vào năm 2017 – khi phong trào dạy học sáng tạo đang lan rộng. Nhóm ban đầu thành lập chỉ với mong muốn tạo ra một mạng lưới kết nối những giáo viên môn địa lý đang giảng dạy tại TP.HCM, san sẻ những tài nguyên cũ. “Những ngày đầu, nhóm chỉ có gần 10 thành viên, với lác đác những bài viết chia sẻ thường là về giáo án. Sau đó, càng ngày mạng lưới càng được mở rộng xuất phát từ chính ham muốn được thay đổi bản thân, thay đổi học sinh của các thầy cô giáo. Sau 2 năm thành lập, có những thời điểm nhóm thu hút đến 625 thành viên là giáo viên môn địa lý ở khắp các vùng miền, có tháng với hơn 300 bài chia sẻ. Họ khao khát được chinh phục môn học, thiết tha gắn bó với nghề…”, thầy Tuấn bày tỏ.
Theo thầy Tuấn, cái tên “Những giáo viên địa lý trẻ trung, yêu nghề” không phải “ám chỉ” rằng chỉ giáo viên trẻ mới được vào nhóm, mà hướng tới sự tươi trẻ trong tâm hồn, lối sống. “Khi bước lên lớp, khi đứng trước học sinh, mỗi thầy cô đều phải luôn tươi trẻ. Tươi trẻ trong chính những trang giáo án, rạo rực sức sống, tràn đầy nhiệt huyết trong từng bài giảng. Có như thế chúng ta mới thu hút được học sinh, mới kéo các em về với môn học. Học sinh chỉ thay đổi khi mỗi thầy cô chịu thay đổi”, thầy Tuấn bộc bạch.
Về hướng đi sắp tới, thầy Tuấn cho hay nhóm sẽ phát triển sâu hơn về chuyên môn, tổ chức thêm nhiều buổi chia sẻ. Đồng thời, nhóm cũng dần hướng tới xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi để có thể hỗ trợ cho giáo viên ở các địa phương khác trên cả nước, đặc biệt là vùng núi và nông thôn.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)