Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch vụ logistics: “Đòn bẩy” để ĐBSCL phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 9-1-2017 tại Cần Thơ, Bộ Công thương, Bộ GTVT, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) đã tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ TNB, chủ trì hội nghị…

BCĐ TNB và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN ký biên bản hợp tác, hỗ trợ phát triển dịch vụ này tại ĐBSCL. Ảnh: Đ.Phượng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Để đẩy mạnh việc cạnh tranh trên thị trường thế giới, cùng với việc nâng cao chất lượng và hạ giá thành hàng hóa, các quốc gia đều áp dụng phương thức quản trị hàng tồn kho, hợp lý hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng hóa – đó là dịch vụ logistics. Chi phí cho logistics ở các nước phát triển chiếm 10-13% GDP, các nước đang phát triển là 15-25% GDP. Vì vậy, nếu tiết kiệm tối đa cho logistics sẽ góp phần rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Điều này càng có ý nghĩa với Việt Nam khi chi phí cho logistics đang ở mức 20-25% GDP, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, bằng khoảng 170% GDP và kim ngạch xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD vào cuối năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,6%. Riêng với ĐBSCL, đầu tư vào dịch vụ này là yếu tố cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển của khu vực”.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách phụ trách kinh tế BCĐ TNB, cho biết: Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó ĐBSCL có 2 trung tâm logistics quy mô tối thiểu 20ha (vào năm 2020) và 50ha (vào năm 2030). Dự kiến đặt tại Cần Thơ và dựa trên nền tảng của khu vực cảng Cái Cui.

“Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường và phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển dịch vụ logistics tại vùng sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển tối ưu mạng lưới cung ứng hàng hóa của khu vực. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng nhưng thị trường logistics tại vùng chỉ đang trong giai đoạn phát triển, chưa phát huy vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp”.

Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thông tin thêm: Dịch vụ logistics của Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do còn tồn tại nhiều vấn đề như chi phí dịch vụ cao; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhỏ về quy mô, yếu về năng lực. Chính sách quản lý của Nhà nước vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất. Đồng thời, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ và tính kết nối; nguồn nhân lực thiếu hụt về chất lượng và số lượng. Đặc biệt, nhận thức và ứng dụng quản trị logistics, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn hạn chế, chưa tin tưởng vào nhà cung cấp. Tình trạng thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược, có tầm cỡ trong ngành cũng là một khó khăn hạn chế tầm nhìn và mục tiêu phát triển của logistics. Thực tế này gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế…

Đại diện Hiệp hội Logistics VN cũng cho biết, ĐBSCL tuy có nhiều cảng (37 cảng) nhưng quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, chưa khai thác hiệu quả vận tải container đường thủy. Vận tải hàng không quốc tế chưa có. Hạ tầng logistics cho hàng bảo quản nhiệt độ còn manh mún. Đối với hàng nông nghiệp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao (lên đến 20%) do thiếu hệ thống lưu trữ phù hợp và công nghệ chế biến.

Từ thực tế này, đại diện UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và các doanh nghiệp kinh doanh logistics kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư vào vùng, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông (cầu, đường, sân bay); có ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực logistics lạnh như giá điện ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho lạnh vì dịch vụ này góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch, và giữ được giá trị của hàng nông sản. Đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí logistics, tạo thuận lợi thương mại. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cần có chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành logistics để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn cho hệ thống giao thông tại ĐBSCL, cụ thể năm 2019 sẽ thông đường cao tốc từ TP.HCM xuống Cần Thơ….

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công thương khẩn trương đưa kế hoạch phát triển logistics trình Chính phủ để có khung chính sách cho sự phát triển dịch vụ này; các bộ liên quan rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi bổ sung kịp thời, tránh chồng chéo và huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển logistics tại ĐBSCL.

Đan Phượng

Bình luận (0)