Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nóng tuyển sinh đầu cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều năm nay dù đặt mục tiêu '3 giảm': giảm sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường học, giảm học sinh trái tuyến trước mỗi 'mùa' tuyển sinh đầu cấp nhưng năm nào Hà Nội cũng phải chấp nhận quá tải trường lớp ở không ít khu vực, khi mà tốc độ đô thị hóa và dân số tăng cơ học quá nhanh.
Trường tiểu học Chu Văn An, Q.Hoàng Mai (Hà Nội), nơi có số học sinh vào lớp 1 đông nhất Hà Nội năm 2018	 /// Ảnh: Gia Chính
Trường tiểu học Chu Văn An, Q.Hoàng Mai (Hà Nội), nơi có số học sinh vào lớp 1 đông nhất Hà Nội năm 2018. ẢNH: GIA CHÍNH
Tại buổi giao ban báo chí định kỳ do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào ngày 16.4, phóng viên Thanh Niên đặt nhiều câu hỏi về những thay đổi quan trọng trong tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội năm học 2019 – 2020.
Sẽ còn lớp học hơn 60 học sinh ?
Vì tốc độ dân số luôn tăng ở các khu đô thị mới nên việc giảm áp lực sĩ số lên các trường học vẫn đòi hỏi phải có thêm trường học và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân mới chuyển đến
PHẠM THỊ LỆ HẰNG (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, Hà Nội)

Quá tải trường lớp là vấn đề bức xúc trong mùa tuyển sinh năm 2018, không ít trường phải chấp nhận sĩ số học sinh (HS) vào lớp 1 lên tới hơn 60 HS/lớp, gần gấp đôi so với quy định cho phép. Năm nay Sở sẽ khắc phục tình trạng này ra sao?

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm 2019 số HS vào lớp 1 so với lớp 5 ra trường tăng khoảng hơn 30.000; số HS vào lớp 6 THCS tăng khoảng 2.000 so với năm trước. Sở GD-ĐT đã làm việc với các quận huyện, yêu cầu các địa phương tùy thuộc vào tình hình cụ thể, tính toán để phân tuyến tuyển sinh, phân chia lại địa bàn tuyển sinh phù hợp, bổ sung thêm đội ngũ giáo viên…
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, cho rằng việc đảm bảo quyền lợi học tập trong các cơ sở giáo dục công lập của con em nhân dân ở những lớp học và cấp học phổ cập dẫn tới không ít trường trong khu đô thị mới phải chấp nhận sĩ số cao so với quy định.
Giải quyết vấn đề này, theo ông Cẩn cần giải pháp lâu dài là quy hoạch mạng lưới trường lớp. Trước mắt, trong năm 2019 theo chỉ đạo của thành phố thì các quận huyện phải rà soát, cải tạo cơ sở vật chất hiện có. Cụ thể, năm 2019 sẽ đầu tư cải tạo 239 trường, xây mới và cải tạo hơn 100 trường tại khu vực 12 quận.
Ông Phạm Quốc Toản cho biết một số quận huyện có dân số tăng cơ học mạnh như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì… đang đứng trước áp lực quá tải trường lớp trong năm học tới.
Trao đổi thêm với Thanh Niên sau buổi họp, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, địa bàn có tốc độ đô thị hóa quá nhanh những năm gần đây, cho hay thống kê ban đầu cho thấy năm học tới Hà Đông tăng khoảng hơn 6.000 HS của các cấp học. Quận xây thêm được 3 trường mới và 5 đơn nguyên ở các khu đô thị như Xa La, Văn Phú, Vạn Phúc, Phú Lương, La Khê…
“Tuy nhiên, vì tốc độ dân số luôn tăng ở các khu đô thị mới nên việc giảm áp lực sĩ số lên các trường học vẫn đòi hỏi phải có thêm trường học và cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân mới chuyển đến”, bà Hằng nói.
Quận Hoàng Mai, năm 2018 được biết tới là một trong những nơi “nóng” nhất về tuyển sinh lớp 1 khi các trường tiểu học Chu Văn An, Hoàng Liệt có số HS vào lớp 1 đông nhất Hà Nội với 23 lớp 1, trong đó nhiều lớp phải chấp nhận sĩ số lên tới 60 HS… Năm nay, theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận, áp lực tuyển sinh ở một số nơi trên địa bàn quận, trong đó có P.Hoàng Liệt vẫn căng thẳng.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho hay: “Năm tới Hà Nội kiên quyết kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt với các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Nếu sĩ số HS/lớp vượt so với quy định điều lệ trường học, Phòng GD-ĐT phải có văn bản báo cáo Sở, không để xảy ra hiện tượng quá tải HS ở trường học.
“Nóng” tuyển sinh đầu cấp
Trường tiểu học Chu Văn An, Q.Hoàng Mai (Hà Nội), nơi có số học sinh vào lớp 1 đông nhất Hà Nội năm 2018 dẫn tới quá tải. ẢNH: GIA CHÍNH
Chỉ 62% học sinh được vào lớp 10 công lập
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ra sao, dự kiến bao nhiêu phần trăm HS được vào học các cơ sở công lập cũng là vấn đề rất nóng, được nhiều phụ huynh quan tâm.
Ông Phạm Văn Đại cho biết năm học 2019 – 2020, toàn thành phố có 101.453 HS dự xét tốt nghiệp THCS; dự kiến số HS đăng ký dự thi khoảng 90.000. Hà Nội sẽ tuyển khoảng 62% HS vào lớp 10 THPT công lập. Gần 40% HS còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập, học nghề, học tại các trung tâm GDTX… Năm nay, Hà Nội đã trình UBND thành phố đề án phân luồng HS sau THCS. HS học tại các trường nghề, học tại trung tâm GDTX sau 3 năm ra trường sẽ có thể vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề.
Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Hà Nội chính thức thay đổi phương thức tuyển sinh vào các trường THPT công lập theo hướng thi tuyển tới 4 bài thi thay vì kết hợp thi 2 môn (ngữ văn, toán) và xét tuyển học bạ 4 năm THCS như năm trước.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập không bắt buộc phải lấy kết quả thi tuyển của Sở như các năm trước mà các trường được tự chọn theo 2 phương thức: hoặc xét tuyển căn cứ trên điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 – 2020 hoặc dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của HS ở cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Trao đổi bên lề buổi giao ban báo chí về những điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay, ông Phạm Quốc Toản cho biết: Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 2 – 3.6 với 4 bài thi bắt buộc, độc lập bao gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử. Bài thi hoặc phần thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi theo chuẩn kiến thức kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Chặn tuyển sinh như “chơi chứng khoán”
Đặc biệt, theo ông Toản, điểm mới mà Sở GD-ĐT tiếp thu phản ánh của Báo Thanh Niên là công bố phổ điểm trước khi công bố điểm chuẩn để phụ huynh không tự đồn đoán và hoang mang dẫn tới “bấn loạn” tuyển sinh như năm trước.
Cụ thể, năm nay, ngay sau khi có kết quả kỳ thi, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ cung cấp cho các trường phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn vào lớp 10. Phổ điểm này sẽ được thông tin công khai để phụ huynh, HS được biết. Các trường THPT sẽ căn cứ vào chỉ tiêu được giao, phổ điểm và dự kiến điểm chuẩn do Sở GD-ĐT Hà Nội cấp để đề xuất điểm chuẩn. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ duyệt điểm chuẩn cho từng trường.
“Sự điều chỉnh này sẽ giúp cho phụ huynh và HS biết được mặt bằng điểm thi, qua đó dự kiến điểm chuẩn và là căn cứ để quyết định nhập học trường phù hợp với kết quả đạt được”, ông Toản nói.
Trước băn khoăn của Thanh Niên về việc Sở có biện pháp gì để khắc phục tình trạng năm trước đã xảy ra như việc một số trường ngoài công lập công bố điểm chuẩn theo buổi như “chơi chứng khoán”, ông Phạm Quốc Toản khẳng định năm nay, nếu trường nào làm trái quy định sẽ phải chịu trách nhiệm và hình thức kỷ luật theo đúng quy định.
4 trường công lập chất lượng cao thi tuyển vào lớp 6
Phóng viên đặt câu hỏi: “Với phương thức tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam mà Sở GD-ĐT mới công bố, phụ huynh rất xôn xao và tâm tư với quy định yêu cầu xét tuyển quá cao với học bạ 5 năm tiểu học hầu hết phải đạt toàn điểm 10 ở các môn? Liệu điều đó có đi ngược tinh thần giảm áp lực điểm số, dẫn tới tình trạng “làm đẹp” học bạ, hay không”?
Ông Phạm Quốc Toản cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 Trường Hà Nội – Amsterdam chỉ có 200 HS, so với số HS vào lớp 6 của toàn thành phố thì chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (0,15%) nên việc áp lực là không có. Cũng theo ông Toản, ngoài Trường Hà Nội – Amsterdam được phép kiểm tra, đánh giá năng lực vào lớp 6 năm nay còn có 3 trường THCS công lập chất lượng cao nữa là THCS Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Các trường này lựa chọn phương thức và thời gian tuyển sinh, báo cáo phòng GD-ĐT trình UBND quận, huyện phê duyệt và hoàn thành chậm nhất vào ngày 10.6.2019.

Tuệ Nguyễn/TNO

Bình luận (0)