Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao không ngăn ngừa trước?

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy những sự việc đau lòng liên tiếp xảy ra mà đỉnh điểm là một học sinh (HS) lớp 9 ở Hưng Yên bị một nhóm bạn cùng lớp đánh “hội đồng”, phải vào bệnh viện tâm  thần điều trị.

Tại sao chúng ta không có những biện pháp ngăn ngừa từ “gốc” trước mà cứ để sự việc xảy ra mới vội vàng xử lý “phần ngọn”? Trong nhà trường, có đầy đủ ban bệ đến các đoàn thể, được tổ chức chặt chẽ từ lớp tới ban giám hiệu (BGH) mà sao sự việc đau lòng diễn ra đã khá lâu mà không có tổ chức nào phản ánh, báo cáo về trên?

Rõ ràng ở đây có cách làm việc quá quan liêu hoặc vì căn bệnh “thành tích” nên tìm cách giấu giếm, sợ mất danh hiệu thi đua cuối năm của giáo viên, của hiệu trưởng và của nhà trường…

Ở trong lớp, đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở thì có giáo viên chủ nhiệm, có ban cán sự lớp, có liên đội trưởng thường xuyên hoạt động. Đối với bậc học trung học phổ thông, ngoài các chức danh trên còn có bí thi chi đoàn lớp; thường xuyên liên hệ với Đoàn trường trong mọi hoạt động…

Trừ những sự việc bất thường xảy ra, cuối tuần trước khi tổng kết thi đua tuần; giáo viên chủ nhiệm phải báo cáo tình hình lớp của mình trong tuần qua; nếu có những sự việc không tốt xảy ra phải báo cáo BGH để cùng nhau đưa ra hướng giải quyết hợp tình hợp lý.

Chẳng hạn, trong một lần họp giáo viên chủ nhiệm cuối tuần, tôi có nghe được báo cáo của một lớp có hiện tượng một HS tự lấy lưỡi lam rạch tay cho chảy máu… Vụ việc được BGH và giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng gia đình đã khuyên nhủ kịp thời và giải quyết ổn thỏa. Hoặc có lần, nhân dịp cắm trại ngày thành lập Đoàn (26-3) có một nhóm HS tự ý “diễn hài” bằng cách giả làm người bán hột vịt lộn rồi nhại tiếng miền Trung nhằm gây cười… Biết được chuyện này, BGH đã kiên quyết không cho vì làm như thế rất phản cảm, dung tục, gây ảnh hưởng không tốt tới thanh danh nhà trường…

Muốn ngăn ngừa từ gốc, giáo viên chủ nhiệm phải là người nhanh nhạy, sâu sát lớp của mình. Không làm việc theo kiểu “chỉ tay năm ngón”, điều hành hoạt động của lớp “từ xa” (gọi điện thoại cho lớp trưởng hỏi thăm tình hình lớp) thì không thể khách quan, trung thực. Bản thân mình phải đến tận lớp, thường xuyên hoặc định kỳ để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của HS. Không để có sự việc xấu gì diễn ra rồi mới đến lớp. Như vậy là chưa thật sự yêu thương, gần gũi HS…

Bên cạnh đó, BGH phải thường xuyên cập nhật thông tin từ nhiều nguồn; kịp thời ngăn ngừa những sự việc đáng tiếc xảy ra. Các tổ chức đoàn thể (Đội, Đoàn, công đoàn cơ sở, ban đại diện cha mẹ HS) phải là những thành viên năng động, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, góp ý cùng BGH thực hiện tốt vai trò quản lý của mình.

Dù tình huống nào, khi được ngăn ngừa trước thì sẽ không có những hệ lụy xấu xảy ra. Phải như biết những mâu thuẫn trong nhóm bạn bè, nhà trường phối hợp gia đình các em để giáo dục, răn đe thì sự việc đáng tiếc trên đã không xảy ra!

Hoàng Sa Vit (Sóc Trăng)

 

Bình luận (0)