“Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ rằng trẻ có 2 nhu cầu, đó là nhu cầu về tình thương và nhu cầu tự thấy mình có giá trị. Nếu hai nhu cầu này không được đáp ứng trong gia đình thì trẻ phải có cơ hội tại lớp học, trường học. Còn nếu ở lớp, ở trường cũng không đạt được thì trẻ sẽ tìm đến sự chia sẻ trên mạng xã hội, tìm đến game, từ đó hình thành mầm mống của bạo lực”.
Giáo viên tham gia chuyên đề đang chỉ ra những nguyên nhân gây áp lực cho học sinh
Ý kiến này được ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ trong chuyên đề “Công tác tư vấn học đường” do Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) tổ chức mới đây dành cho giáo viên (GV) trong trường.
Hiểu học sinh mới hóa giải được áp lực
Trong chuyên đề, các GV được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm chỉ ra những nguyên nhân của hành vi bạo lực, stress ở HS theo hình thái “cây stress”. Với “cây stress”, các nhóm chỉ ra áp lực của HS đến từ kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè; từ thành tích, điểm số, môn học không yêu thích… Biểu hiện rõ rệt nhất của những áp lực, dồn nén tâm lý là ít tập trung trong giờ học, không tìm thấy niềm vui trong học tập, học mang tính đối phó, học sa sút trong những thời điểm quan trọng… “Áp lực về điểm số, thành tích chỉ là một phần, còn ảnh hưởng của gia đình đẩy áp lực về phía HS mới là nguyên nhân chính. Cái gốc gia đình ảnh hưởng rất lớn đến một đứa trẻ khi bước vào trường học”, ThS. Ngọc Bích đánh giá.
Theo ThS. Ngọc Bích, GV biết rõ HS của mình đang gặp áp lực ở nhiều thứ nhưng đôi khi lại không đủ thời gian, kiên nhẫn để tìm hiểu ngay từ đầu với những vấn đề các em đang mắc phải; đôi khi GV nguyên tắc, rập khuôn quá, vô tình đẩy các em đến những áp lực không đáng có. Khi HS có hành vi bạo lực thì nên tìm hiểu ở gia đình, các em đã có vấn đề gì chứ đừng hỏi vì sao các em… đánh bạn. “Những đứa trẻ khi có sự tổn thương lớn thì cơ đầu tiên sẽ căng đó là cơ miệng, do đó các em sẽ chửi trước. Vì vậy, đôi khi không phải dạy được ý thức là đã giáo dục trẻ thành công. Sau cơ miệng là cơ tay, cơ chân. Từ đó dẫn đến hành vi bạo lực. Khi nhìn nhận bạo lực học đường, GV cần phải thấu hiểu hành vi của HS thay vì trừng phạt. Trên 50% HS có xu hướng đẩy hành vi bạo lực từ gia đình vào nhà trường”, ThS. Ngọc Bích phân tích.
Chia sẻ về câu chuyện một HS trong trường thường xuyên đi học muộn, giám thị và GV “nói hoài” không sửa, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho hay bản thân đã đích thân “mục sở thị” ở cổng trường khi em này đi học muộn. “Sau khi tìm hiểu nguyên nhân thì tôi mới biết rằng, do gia đình khó khăn nên em phải phụ mẹ đưa em đi học. Sau khi biết nguyên do, tôi đã phân tích, động viên, đưa ra giải pháp: “Em dậy sớm đưa em đến trường sớm một chút”, rồi cho biết nhà trường sẽ tặng em học bổng vượt khó… Sau buổi nói chuyện đó, đến nay đã hơn hai tháng, em ấy đã không tái phạm lần nào nữa”, thầy Phú cho biết.
Thầy Phú chia sẻ thêm, nói như vậy để thấy rằng với bất kỳ một vấn đề nào của HS, GV cần phải có “cái nhìn sâu” ngay từ ban đầu. Chỉ khi hiểu HS của mình thì thầy cô mới hóa giải những áp lực các em đang gặp phải. “Thế nhưng, trong rất nhiều áp lực của GV hiện nay, để thầy cô an lòng, chia sẻ với HS những câu chuyện bên lề bài giảng thì phải cần đến sự “cởi trói” từ nhiều phía: các cơ quan quản lý, người hiệu trưởng… Giải quyết được gốc rễ này cũng là góp phần hạn chế bạo lực học đường”, thầy Phú nhìn nhận.
Tạo ra môi trường trưởng thành cho học sinh
Kể về trường hợp một HS khi làm bản khai hồ sơ, trong phần giới tính bị bỏ khuyết, ThS. Ngọc Bích cho biết: Khi hỏi HS đó, em mới nói bản thân cũng không biết mình có đúng là nam không vì thường bị mọi người trêu là “bê đê”. “Trong câu chuyện này, nếu chỉ tư vấn học đường thôi thì chưa đủ để giải quyết cái gốc của vấn đề mà còn cần đến sự bảo bọc của công tác xã hội trường học. Hoạt động này quan tâm đến vấn đề cải thiện việc “đi học thành công” của HS từ sức khỏe tinh thần cho đến tham vấn, hợp tác với toàn hệ thống, gia đình và cộng đồng. Nhiều đứa trẻ ngay từ đầu đã bị gắn mác không bình thường, do đó thầy cô phải với tay ra ngoài trường học, đến gia đình và cộng đồng để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với các em. Một HS “đi học thành công” khi có mối liên hệ chặt chẽ 3 bên từ công tác xã hội trường học, GV cho đến gia đình”, ThS. Ngọc Bích trao đổi.
Với GV, không chỉ có truyền đạt kiến thức mà còn thúc đẩy sự tự tin của HS, đánh giá nhu cầu học tập của các em để mang đến niềm vui trong từng tiết học, phải có sự đánh giá về hoạt động tương tác trong lớp. “Mô hình đôi bạn cùng tiến là cách mà thầy cô hay áp dụng hiện nay để đề cao sự tương tác trong lớp học. Mô hình này là tuyệt vời nhưng phải có sự giám sát, đồng hành của GV thì đôi bạn đó mới thành công. Tuy nhiên, GV muốn HS của mình thành công thì trước hết thầy cô phải là người hạnh phúc”, ThS. Ngọc Bích chia sẻ.
Cách phòng ngừa bạo lực học đường hiệu quả nhất, theo ThS. Ngọc Bích, không gì khác là tạo ra môi trường trưởng thành cho HS với việc giáo dục kỹ năng sống qua những chuyên đề mà ở đó các em phải được nói, được chia sẻ. “Việc trang bị kỹ năng sống cho HS, các nhà trường đang nỗ lực làm nhưng vẫn chưa đủ thấm để thay đổi con người. Kỹ năng sống cần phải dạy thành chuyên đề riêng biệt chứ không chỉ lồng ghép trong môn học. Chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về cái bên trong của HS chứ không chỉ đánh giá bề ngoài. Có những khó khăn thuộc về tiềm thức, thuộc về trách nhiệm mà chúng ta có phạt đến ngàn lần thì các em cũng sẽ không thay đổi”, ThS. Ngọc Bích nhìn nhận.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)