Học sinh thi “Rung chuông vàng” trong chuyên đề “Học sinh Tây Thạnh với pháp luật”
Nạn bắt nạt trong học đường mà chúng ta quan tâm lo lắng bấy lâu nay chủ yếu diễn ra bằng các hành vi trực tiếp của học sinh (HS) với nhau. Ngày nay, khi mà đa số HS từ THCS đến THPT đều sử dụng điện thoại di động, thì trường học đã xuất hiện một hiện trạng bắt nạt trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội. Thực trạng này gây “sóng gió” dư luận thời gian qua. Theo các chuyên gia tâm lý, bắt nạt trực tuyến là hành vi bắt nạt gián tiếp, có chủ đích, được thực hiện bằng cách gửi tin nhắn, hình ảnh hoặc clip thông qua các thiết bị điện tử. Nạn này được thực hiện bởi một cá nhân, nhóm nào đó ngoài xã hội hoặc của HS trong trường với nạn nhân. Có thể thực hiện riêng tư trong một nhóm (group) hoặc công khai, nhằm mục đích làm tổn hại về mặt tâm lý và danh dự của người khác để trục lợi. Nếu nạn bắt nạt trực tiếp, nhà trường dễ dàng quan sát phát hiện và can thiệp, thì nạn bắt nạt trực tuyến tinh vi, khó kiểm soát hơn và tốc độ lan truyền của nó cũng rất nhanh. Hậu quả mà nó gây ra không hề nhỏ: làm tổn hại về sức khỏe tâm thần, gây ra những dư chấn tâm lý, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, tổn hại về vật chất. Nguy hiểm hơn, nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng đến tính mạng HS bị hại.
Để phòng chống nạn bắt nạt trực tuyến với HS, cần giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Theo đó, nhà trường cần lưu ý quan tâm, phát hiện những em “có vấn đề” về tâm lý để kịp thời can thiệp. Nên tổ chức những buổi sinh hoạt tuyên truyền về cách phòng chống, giáo dục cho HS kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội để không bị kẻ xấu lợi dụng bắt nạt. Cần phát huy vai trò của các hòm thư trong trường, vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường… Phụ huynh phải quan tâm thường xuyên hơn con mình, nhất là khi con có những biểu hiện lạ về tâm lý. Kiểm soát chặt chẽ việc con sử dụng điện thoại di động và các trang mạng xã hội. Khi phát hiện con mình bị bắt nạt bởi HS trong trường phải báo cho nhà trường. Nếu bị bắt nạt bởi đối tượng ngoài xã hội cần báo cơ quan chức năng xử lý. Đối với HS, cần hạn chế và sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, tích cực. Không nên kết bạn một cách bừa bãi vì dễ bị mắc “bẫy” của các đối tượng xấu. Khi biết mình là nạn nhân cần bình tĩnh báo cho cha mẹ, nhà trường. Tuyệt đối không được im lặng, cam chịu, chấp nhận hoặc có những cách tự ứng xử tiêu cực, thiếu suy xét.
Vừa qua Tổ bộ môn GDCD Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề “Học sinh Tây Thạnh với pháp luật” dưới sân cờ dành cho HS khối 10 và 11. Đây là hoạt động ngoại khóa nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9-11). Điểm nhấn của chuyên đề là hoạt cảnh “Tấm Cám thời @”, thi đối đáp “Sao Hỏa – Sao Kim” và thi “Rung chuông vàng” kiến thức. Buổi ngoại khóa đã đem đến cho HS nhiều kiến thức bổ ích về pháp luật; cho các em tự nhận thức về tác động hai mặt của việc sử dụng các trang mạng xã hội. Từ đó góp phần phòng ngừa tác hại của nạn bắt nạn trực tuyến.
Bài, ảnh: Trần Ngọc Tuấn
(giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)